Tin tức
Thống đốc NHNN: Tiền mới không làm biến động giá!

Thống đốc NHNN: Tiền mới không làm biến động giá!

18/08/2004

Banner PHS

Thống đốc NHNN: Tiền mới không làm biến động giá!

Trả lời phỏng vấn, ông Lê Đức Thuý, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc đồng tiền polymer mệnh giá 100.000 VND được phát hành nằm trong nỗ lực thay thế đồng tiền cũ (cotton) bằng polymer, chứ không phải đưa thêm tiền vào lưu thông...

Trả lời phỏng vấn, ông Lê Đức Thuý, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc đồng tiền polymer mệnh giá 100.000 VND được phát hành nằm trong nỗ lực thay thế đồng tiền cũ (cotton) bằng polymer, chứ không phải đưa thêm tiền vào lưu thông.

 

Xin ông cho biết lý do của đợt phát hành tiền mới mệnh giá 100.000 đồng polymer vào lưu thông lần này và giá trị pháp lý của đồng tiền cũ (cotton) có mệnh giá tương đương?

 

Tương tự như đợt phát hành tiền mới ngày 17/12/2003, việc phát hành đồng tiền 100.000 đồng mới bằng giấy polymer không ngoài mục tiêu nâng cao chất lượng, nhất là khả năng chống giả của đồng tiền Việt Nam.

Hiện nay, đồng tiền in trên giấy cotton đang bị làm giả nghiêm trọng với kỹ thuật khá tinh vi và số lượng ngày càng gia tăng. Để dần từng bước đẩy lùi nạn tiền giả và bảo vệ lợi ích hợp pháp của người sử dụng tiền, sau khi có Quyết định số 841/QĐ - TTg ngày 05/8/2004 của Chính phủ, kể từ 01/09/2004, Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa vào lưu thông đồng tiền polymer với mệnh giá 100.000 đồng với những ứng dụng bảo an tiên tiến mới rất dễ nhận biết, kiểm tra nhưng khó làm giả như: hình ẩn, hình dập nổi trong cửa sổ, yếu tố IRIODIN, mực không màu phát quang.

Cùng với đồng tiền mới, đồng tiền giấy cotton 100.000 hiện nay vẫn có giá trị lưu hành song song.

 

Vậy Thống đốc có thể cho biết tình trạng tiền giả đối với loại giấy bạc cũ (cotton) đáng báo động như thế nào và đây có phải là giải pháp hữu hiệu để chống tiền giả hay không?

 

Hiện nay trên thị trường đang xuất hiện loại tiền giả giấy bạc cotton với hầu hết các mệnh giá, đặc biệt là loại có mệnh giá 100.000 đồng. Mức độ giả tinh vi đến nỗi các loại máy phát hiện tiền giả thông thường khó có thể phát hiện được.

Và để phát hiện được tiền giả, các cán bộ kiểm ngân, chuyên gia có kinh nghiệm buộc phải sử dụng cảm nhận bằng tay. Có rất nhiều giải pháp để chống tiền giả nhưng một trong những giải pháp hữu hiệu đó là Ngân hàng Nhà nước đưa ra lưu thông những đồng tiền có nhiều yếu tố chống giả cao mà bọn làm giả khó bắt chước.

Sau lần phát hành tiền polymer vào lưu thông ngày 17/12/2003 cho đến nay, tình hình tiền giả vẫn nghiêm trọng. Lý do là Ngân hàng Nhà nước không thể cùng một thời điểm thay thế tất cả đồng tiền dễ bị làm giả hiện đang tồn tại trong lưu thông bằng đồng tiền mới khó làm giả. Vấn đề này đòi hỏi phải có thời gian và phải chuẩn bị một số lượng tiền giấy tương đương và quá trình thu hồi dần số tiền dễ bị làm giả đang lưu hành.

 

Có ý kiến cho rằng, việc phát hành vào lưu thông loại tiền mới ở lần này còn nhằm mục đích bù vào lượng tiền mặt mà Nhà nước đang thiếu hụt do các chỉ số lạm phát tăng cao gần đây. ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

 

Cần thấy rằng tình hình lạm phát ở Việt Nam là có nhưng chưa đến mức độ nghiêm trọng và hoàn toàn trong tầm kiểm soát của chúng ta. Những yếu tố tăng giá hoàn toàn không liên quan đến việc phát hành thêm tiền vào lưu thông.

Việc đưa đồng tiền mới polymer lần này vào lưu hành là để dần từng bước thay thế dần đồng tiền cotton dễ bị làm giả. Ngân hàng Nhà nước đã có quá trình chuẩn bị từ trước đó. Lâu nay, nhà máy in tiền quốc gia không còn in đồng tiền cotton có mệnh giá 100.000 đồng nữa mà tập trung thiết bị, kỹ thuật, công suất và nhân lực để in tiền giấy polymer có mệnh giá tương đương.

 

Với việc phát hành tiền mới (polymer) lần này trong khi số tiền cũ (cotton) trước đó đang lưu hành, có thể hiểu sẽ có thêm một lượng tiền trong lưu thông. Vậy, Ngân hàng Nhà nước dựa vào những yếu tố nào (dự trữ vàng, ngoại tệ) để đảm bảo cho đồng tiền không bị mất giá?

 

Đây là việc Ngân hàng Nhà nước thay thế đồng tiền cũ (cotton) bằng polymer, chứ không phải đưa thêm tiền vào lưu thông. Tiền mới lưu thông sẽ được bảo đảm điều tiết vừa đủ bằng cách thông qua các tín hiệu thị trường như sự biến động giá cả, chứ không căn cứ vào kho vàng hay ngoại tệ dự trữ.

 

Sau khi phát hành tiền polymer ở lần trước giá cả thị trường đã có sự biến động mạnh. Vậy lần này Ngân hàng Nhà nước có biện pháp gì để khắc phục vấn đề này không?

 

Tôi khẳng định không hề có một cơ sở kinh tế nào để nói rằng việc phát hành tiền năm ngoái không phải là lý do dẫn đến việc biến động giá cả. Có người nói đưa đồng tiền mệnh giá lớn (500.000 đồng) vào lưu thông ở đợt vừa qua dẫn đến giá cả tăng nhưng không phải thế.

Đứng về mặt hạch toán kinh tế, chi phí để in một tờ giấy bạc có mệnh giá 500.000 ít tốn kém hơn 10 lần khi in tờ giấy bạc 50.000 đồng và 5 lần đối với tờ 100.000 đồng! Sự biến động giá cả sau khi phát hành tiền polymer hồi năm ngoái là có nhưng không phải do tác động kinh tế mà là tác động tâm lý nhất thời từ những kẻ đầu cơ vàng. Bọn chúng lợi dụng việc Nhà nước phát hành tờ giấy bạc 500.000 đồng để tung tin đồng tiền Việt Nam mất giá để tìm cách vét dollar, gom vàng, đẩy giá vàng lên.

 

Bằng biện pháp cho các công ty có quota nhập vàng được phép mua ngoại tệ để nhập vàng thì chỉ trong vòng 2 ngày so với lời hứa 5 ngày của tôi, giá vàng đã trở lại bình thường. Còn những biến động giá cả sau đó hoàn toàn nằm ngoài yếu tố tiền tệ như cúm gà, sự bất ổn của giá cả, chính trị quốc tế đẩy chi phí đầu vào của sản xuất tăng lên, làm giá cả tăng lên.

TBKTVN

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng