Tin tức
Thu đổi ngoại tệ

Thu đổi ngoại tệ

11/03/2011

Banner PHS

Thu đổi ngoại tệ

Ai cũng kêu nền kinh tế nước ta bị đô la hoá, bị vàng hoá. Nhưng làm cách gì để xoá bỏ tình trạng rất xấu này thì ít thấy những kiến nghị cụ thể.

Với quyết định vừa rồi của Chính phủ nhằm chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, mấy ngày qua dư luận rộ lên chuyện “phố đô la” đóng cửa, “giao dịch ngoại tệ tự do cầm chừng”, “thị trường USD tự do đóng băng”,..., do Ngân hàng Nhà nước tăng cường kiểm soát.

Cần tổ chức lại mạng lưới thu đổi ngoại tệ để cho các cơ sở kinh doanh này hoạt động dễ dàng, hiệu quả và quy củ. Muốn vậy Nhà nước phải có các quy chế rõ ràng tạo thuận tiện cho người dân, khách du lịch, cho những người kinh doanh. Đáng tiếc chúng ta chưa làm tốt việc này. Xem xét tình hình hiện tại, nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm của các nước khác và xây dựng khung pháp lý phù hợp, thuận tiện, hữu hiệu cho hoạt động này là việc làm cần thiết nhằm chống đô la hoá và vàng hoá nền kinh tế.

Hà Trung là một con phố nhỏ ở trung tâm Hà Nội, được mệnh danh là phố “đô la”. Trước đây ai muốn bán, muốn mua ngoại tệ đều có thể đến đây. Từ mua bán vài trăm USD, cho đến cả trăm ngàn. Ngoài các cửa hiệu ở con phố này còn có hàng chục cửa hiệu vàng ở các phố khác, chủ yếu ở trung tâm thành phố, cũng làm dịch vụ mua bán ngoại tệ, tuy với quy mô nhỏ hơn. Ai có nhu cầu và biết cách có thể gọi điện và họ có thể đến tận nhà phục vụ (thường khi Nhà nước siết việc kiểm soát thì hình thức này phát triển hơn). Ở các thành phố khác cũng có các “trung tâm” hay cửa hiệu tương tự. Đấy là thị trường tự do.

Các phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại cũng tổ chức dịch vụ này một cách chính thức, trên thị trường chính thống. Tham gia vào thị trường chính thức là người dân, khách du lịch và các doanh nghiệp.

Có mối quan hệ giữa các ngân hàng và các nhà kinh doanh trên thị trường tự do. Khi tỷ giá chính thức và tỷ giá thị trường tự do chênh lệch nhau quá nhiều và các ngân hàng khan ngoại tệ, nhiều ngân hàng chỉ làm môi giới cho người mua và người bán theo giá thị trường tự do.

Ai đã ra nước ngoài, dù là Thái Lan, Singapore trong khu vực hay Châu Âu, cũng thấy nhan nhản các quầy thu đổi ngoại tệ. Tất cả đều phải có giấy phép và hoạt động một cách hợp pháp. Họ có hệ thống quản lý chặt chẽ. Người đổi phải trình giấy tờ tuỳ thân và khi đổi ngoại tệ đều nhận được hoá đơn đường hoàng. Giá có thể mỗi quầy một khác, tỉ lệ hoa hồng cũng vậy. Có sự cạnh tranh giữa các quầy. Việc đổi diễn ra minh bạch. Không cửa hàng nội địa nào (trừ cửa hàng miễn thuế ở sân bay) bán hàng bằng ngoại tệ. Các quầy này hoạt động hoàn toàn chính thức, như một phần của cả hệ thống (trong khía cạnh này họ ngang hàng với các ngân hàng). Và như thế không có thị trường phi chính thức như ở ta.

Bất cứ ai vào nước họ đều phải dùng đồng nội tệ để trao đổi. Điều quan trọng là phải kéo các thành phần phi chính thức vào thị trường chính thức, biến đổi thị trường phi chính thức thành thị trường chính thức, tạo điều kiện thuận lợi cho họ làm ăn chứ không phải tìm cách triệt họ. Tại Việt Nam chỉ dùng tiền đồng Việt Nam.

Tình hình ở ta thì ngược lại. Các doanh nghiệp Việt Nam 100% bán hàng hay dịch vụ  Việt Nam 100% vẫn thoải mái niêm yết bằng USD và nhận thanh toán. Mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do thực sự là “tự do” không cần biết ai bán, ai mua, không cần hoá đơn chứng từ. Nhà nước thực sự không quản lý, tuy cũng có các quy định có vẻ ngặt nghèo nhưng không được thực thi. Quy định phải thông thoáng, tiện lợi cho cả người kinh doanh lẫn người mua người bán, nhưng vẫn phải đủ chặt để có thể giám sát được. Để các cơ quan hữu trách có thể biết được doanh thu, lưu lượng và nhất là để còn thu thuế cho Nhà nước chứ. Có lẽ đáng tiếc việc này chưa được tiến hành.

Liệu nước ta có làm được như vậy không? Tôi chắc là Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều kế hoạch nhằm lập lại trật tự, nhưng vẫn chưa thành công như tình hình thực tế được tóm tắt ở trên chứng tỏ.

Tôi nghĩ chẳng có lý do gì chúng ta không làm được như các nước khác. Vấn đề là có muốn làm thực sự hay không, có quyết tâm hay không và có biết cách làm hay không. Đấy thực sự là việc xây dựng hạ tầng cơ sở.

Và như mọi loại hạ tầng cơ sở, muốn xây dựng cần có nguồn lực (người, tri thức, tiền bạc) và phải có kế hoạch khả thi (kể cả việc giám sát, nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và của các quan chức). Đây là một dự án và tôi nghĩ nên khởi động càng sớm càng tốt. Có thể thuê các chuyên gia bên ngoài góp ý, phản biện và khi kế hoạch đã được bàn luận kỹ thì kiên quyết triển khai.

Khởi động một dự án như vậy là việc làm thiết thực, bền vững để góp phần xoá bỏ tình trạng đô la hoá (và tương tự xoá bỏ vàng hoá) nền kinh tế.

Nếu không làm những việc mang tính xây dựng như vậy, mà chỉ siết, kiểm soát hành chính theo phong trào, thì đâu sẽ lại vào đấy như xưa và tệ hại hơn nó làm cho người dân, doanh nghiệp có thể coi thường pháp luật. Khi đã thành tập quán, khi tinh thần thượng tôn pháp luật không có hay bị xói mòn thì một nguồn lực lớn để xây dựng đất nước không những bị bỏ phí mà còn gây nhiều tác hại.

Vậy hãy bắt tay ngay vào những hành động cụ thể, nếu không chỉ là sự hô hào suông.

Nguyễn Quang A

lao động

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng