Thủ tướng: Phấn đấu tăng trưởng năm 2024 và 2025 cao hơn để bù lại 3 năm trước
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2024 diễn ra trong ngày 07/09, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng năm 2024 và 2025 cao hơn để bù lại cho 3 năm trước của nhiệm kỳ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Nhiều thành quả trong 8 tháng đầu năm
Theo các báo cáo và ý kiến tại phiên họp, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng tiếp tục đà phục hồi tích cực, nhìn chung kết quả tháng 8 cao hơn tháng 7 và tính chung 8 tháng tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, với 10 nhóm kết quả nổi bật.
Tăng trưởng của cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ được thúc đẩy. Trong đó, khu vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định; khu vực công nghiệp phục hồi tốt, tháng 8 tăng 2% so với tháng 7 và tăng 9.5% so cùng kỳ; tính chung 8 tháng tăng 8.6%. Đặc biệt, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 8/2024 đạt 52.4 điểm, xếp thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau Singapore.
Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 tăng 7.9%; 8 tháng tăng 8.5%. Khách quốc tế tháng 8 đạt 1.43 triệu lượt; tính chung 8 tháng đạt gần 11.4 triệu lượt, tăng 45.8% so với cùng kỳ 2023 và tăng 1% so với cùng kỳ 2019 (trước đại dịch COVID19).
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng tăng 4.04%, lạm phát cơ bản tăng 2.71%. Các chính sách tiền tệ, tài khóa được điều hành linh hoạt theo diễn biến thị trường; tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định.
An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo đạt 6.16 triệu tấn, kim ngạch khoảng 3.85 tỷ USD, tăng lần lượt 6% và 21.7% so với cùng kỳ); thị trường lao động phục hồi tốt, cơ bản bảo đảm cân đối cung cầu lao động.
Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Xuất khẩu tăng 3.7% so với tháng 7 và 14.5% so với cùng kỳ; tính chung 8 tháng tăng 15.8%; nhập khẩu tăng 17.7%; xuất siêu 19.07 tỷ USD.
Thu ngân sách Nhà nước tăng mạnh, tình hình tài chính - ngân sách tiếp tục được cải thiện. Tổng thu ngân sách 8 tháng ước đạt 78.5% dự toán năm, tăng 17.8% so với cùng kỳ trong khi đã thực hiện miễn, giảm 90 ngàn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí.
Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. Giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đạt 40.49% kế hoạch. Thu hút FDI đạt 20.52 tỷ USD, tăng 7%; vốn FDI thực hiện đạt 14.15 tỷ USD, tăng 8%, cao nhất trong 5 năm qua.
Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực, tháng 8 có 13,400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; tính chung 8 tháng có 168,100 doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường, tăng 12.5% so với cùng kỳ, cao hơn số rút lui khỏi thị trường là 135,200 doanh nghiệp.
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân và quốc phòng, an ninh, đối ngoại được chú trọng và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. Các tổ chức quốc tế (WB, IMF, ADB và OECD) nhận định tăng trưởng của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất khu vực.
Phấn đấu tăng trưởng năm 2024 và 2025 cao hơn
Thủ tướng yêu cầu phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của cả năm 2024, trong đó tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng năm 2024 và 2025 cao hơn để bù lại cho 3 năm trước của nhiệm kỳ.
Để ưu tiên cho tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác.
Trong nhiều yêu cầu được Thủ tướng nêu, có việc Ngân hàng Nhà nước tập trung giữ ổn định tỷ giá, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tiếp tục tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%.
Bộ Tài chính phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước; quyết liệt triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển; triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí.
Bên cạnh đó là nhiều yêu cầu về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.
Huy Khải