Tin tức
Tổng hợp tuần 01 - 07/11/2008

Tổng hợp tuần 01 - 07/11/2008

07/11/2008

Banner PHS

Tổng hợp tuần 01 - 07/11/2008

A. Thông tin và biến động vĩ mô:

Bầu cử tổng thống Hoa Kỳ  là sự kiện được cả thế giới quan tâm nhất trong tuần qua. Kết quả cuối cùng, Barack Obama trở thành tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ. Nhiều người hi vọng tổng thống mới này sẽ mang đến những tín hiệu tích cực cho nước Mỹ và thế giới.

Trước khi kết quả cuộc bầu cử được công bố, Economist thực hiện 1 cuộc điều tra đối với 142 nhà kinh tế học. Kết quả cho thấy đa số các nhà kinh tế ủng hộ các chính sách kinh tế của ông Obama và tin tưởng vào sự phục hồi kinh tế nếu ông Obama làm tổng thống. Thị trường chứng khoán cùng chung 1 niềm tin, khi phần lớn các chỉ số chứng khoán các nước đều tăng mạnh trong ngày bầu cử.

Trái với mong đợi của nhiều người, ngày 5/11, chứng khoán Mỹ bất ngờ giảm mạnh. Tất cả 30 cổ phiếu blue-chips trong chỉ số Dow Jones đều giảm điểm. Theo giới phân tích nhận định, TTCK sụt giảm một phần do chính sách kinh tế của tổng thống mới sẽ tập trung đẩy mạnh việc thắt chặt các quy định luật pháp đối với ngành tài chính. Ngoài ra, các thông tin về kinh vĩ mô tiếp tục bất lợi khiến thị trường không thể tiếp tục khởi sắc. Cũng trong ngày 5/11, Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) công bố những thông tin bi quan về các chỉ số phát triển và thất nghiệp. Cùng chung số phận với chứng khoán Mỹ, chứng khoán Châu Âu đã đồng loạt mất điểm sau khi có 6 ngày tăng điểm liên tiếp trước đó. Thị trường châu Á giao dịch cùng thời điểm diễn biến cuộc bầu cử, các chỉ số chính tại châu Á tăng điểm hàng loạt.

Ngày thứ hai sau khi ông Obama đắc cử, phố Wall lại có ngày tồi tệ nhất trong 21 năm qua, thị TTCK Mỹ lại tiếp tục lao dốc. Cùng với sự sụt giảm của TTCK Mỹ, ngày 6/11 TTCK Châu Âu cũng có mức sụt giảm mạnh. Khác với ngày hôm trước, ngày 06/11 TTCK Châu Á cũng diễn biến cùng chiều với TTCK Châu Âu và Mỹ.

Bảng 1: Kết quả diễn biến TTCK ngày 05 và 06 tháng 11

Nước

Chỉ số

% thay đổi ngày 5/11

% thay đổi ngày 6/11

Mỹ

Dow Jones

- 5,05

- 4,85

Nasdaq

- 5,53

- 4,34

S&P 500

- 5,27

- 5,03

Anh

FTSE 100

- 2,34

- 5,70

Đức

DAX

- 2,11

- 6,84

Pháp

CAC 40

- 1,98

- 6,38

Đài Loan

Taiwan Weighted

- 0,29

- 5,71

Nhật

Nikkei 225

4,46

- 6,53

Hồng Kông

Hang Seng

3,17

- 7,08

Hàn Quốc

KOSPI Composite

2,44

- 7,56

Singapore

Straits Times

2,14

- 4,32

Trung Quốc

Shanghai Composite

3,16

- 2,44

                                                     Nguồn: bloomberg.com

Động thái hạ lãi suất cơ bản từ 1.5% xuống 1%, vào ngày 30/10 của FED, đã tác động đến diễn biến của thị trường tài chính tuần qua. Trên thực tế đã đem lại vài đợt tăng điểm cho thị trường chứng khoán trên thế giới. Giá vàng và dầu thô cũng có dấu hiệu tăng trở lại và tăng mạnh vào ngày bầu cử tổng thống Mỹ. Tuy nhiên ngay sau ngày bầu cử, chung số phận với TTCK, giá vàng và dầu thô cùng mất điểm.

Ngày 06/11 Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) hạ lãi suất cơ bản từ 3.75% xuống còn 3.25%. Diễn biến này làm cho đồng USD lại tiếp tục lên giá 1,44% so với các ngoại tệ mạnh khác, trong đó tăng 1,9% so với đồng Euro và 1,88% so với đồng Bảng Anh. Trong khi đó, giá dầu thô và vàng tiếp tục sụt giảm mạnh.

Diễn biến tình hình kinh tế trong nước tuần qua cũng có nhiều điều đáng lưu ý. Lần thứ 2 trong vòng hai tuần, NHNN đã thực hiện các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ như cắt giảm lãi suất cơ bản và lãi suất chiết khấu, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 11% xuống 10%. Tuy nỗ lực kiểm soát lạm phát đã có những thành công nhất định, các doanh nghiệp tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và kinh doanh. Thậm chí có ý kiến lo ngại về khả năng xảy ra thiểu phát. Tăng trưởng tín dụng trong 10 tháng qua mới ở mức 18%, tức còn 12% so với hạn mức cho 2 tháng cuối năm.. Hơn hết, lúc này rất cần một chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa có khả năng kích cầu và tránh hiện tượng tái lạm phát xảy ra. Lượng vốn khả dụng tại các NHTM có xu hướng tăng lên. Lãi suất ngân hàng, lại một lần nữa, có mức giảm đáng kể.

Bảng 2: Lãi suất một số ngân hàng vào ngày 5/11

Tên ngân hàng

3 tháng

6 tháng

9 tháng

12 tháng

ACB

15,1

15

13,9

12,9

SCB

15,85

16

15,3

14,6

DongA Bank

15,48

15,36

13,38

14,52

OCB

15,6

15,36

14,4

13,2

VPBank

15,2

14,8

14,6

14,3

VietA Bank

16,5

16

15,5

15,2

Mặc dù các NHTM có hiện tượng thừa vốn, nhưng NH vẫn thận trọng trong việc cho các doanh nghiệp vay vốn. Đầu tư vào trái phiếu chính phủ, với mức lãi suất hấp dẫn, an toàn là một trong những giải pháp của các NHTM trong thời gian vừa qua. Thị trường bất động sản (BĐS) tiếp tục “đóng băng”, nhiều dự án BĐS bị đình trệ. Mặc dù giá BĐS ở nhiều nơi đã giảm đến 50% so với lúc đỉnh cao, nhưng vẫn còn ở mức rất cao so với một vài năm trước đây và so với khả năng thực sự của người có nhu cầu nhà ở. Nguy cơ phá sản của một số doanh nghiệp kinh doanh BĐS trở nên gần hơn. Dự báo nếu thị trường tiếp tục xấu đi, nợ xấu của các NH từ cho vay đầu tư BĐS có thể tăng cao.

Trong tuần qua, giá vàng thế giới hạ đã làm cho giá vàng trong nước giảm mạnh tuy nhiên vẫn giữ ở mức cao hơn giá vàng  thế giới xung quanh mức 1.8 triệu đồng/lượng (tỷ giá NHTM). Ngày 31/10 giá xăng dầu trong nước tiếp tục hạ, nhưng với mức hạ giá nhỏ giot nên có lẽ tác tác động cũng không nhiều đến thị trường và tâm lý người tiêu dùng. Giá xăng dầu hiện tại vẫn còn cao hơn giá xăng dầu thế giới rất nhiều, điều này cũng làm khó khăn thêm cho nền kinh tế trong tình hình hiện tại. Giá USD trên tại NHTM thay đổi ít so với tuần trước nhưng trên thị trường tự do đã lên tới trên 17,000 VND/USD. Ngày 6/10 NHNN nới rộng biên độ tỷ giá USD lên 3%, Hiện tại tỷ giá USD so với các đồng tiền khác trong khu vực như Thái Lan, Australia, Indonesia… đã tăng giá lên từ 10 đến 30%. Như vậy nếu tỷ giá USD/VND duy trì mức như hiện nay có khả năng sẽ làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu khó khăn hơn và từ đó tác động xấu đến cán cân thương mại.

Ngày 06/11 Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2009 với chỉ tiêu tăng trưởng GDP chỉ còn 6.5% thay vì 7% như dự thảo, tỷ lệ lạm phát dưới 15%. Cũng trong nghị quyết này, mức chi đầu tư phát triển xã hội lên đến 39.5% GDP, tức là hệ số ICOR mà Quốc hội chấp nhận lên bằng 6, điều này cho thấy hiệu quả trong đầu tư, chất lượng tăng trưởng tiếp tục là vấn đề trong tương lai.

Tổng kết tình hình kinh tế và tài chính trên thế giới và trong nước trong tuần qua. Mặc dù có những tín hiệu lạc quan nhất định đến từ trong nước và thế giới nhưng diễn biến trên thị trường tài chính vẫn tiếp tục phức tạp, tiềm ẩn rủi ro lớn.  Dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng trở nên rõ ràng...

B. Diễn biến VN-Index tuần 03/11 – 07/11

Sau nhiều phiên giảm điểm sâu, VN-Index đã bật trở lại và tăng điểm 7 phiên liên tiếp kể từ ngày 29/10. Những thông tin tích cực đã nhanh chóng phát huy sức mạnh và phản ánh vào giá kể từ cuối tuần qua. Tuy nhiên, phiên cuối tuần này đã có sự điều chỉnh khá mạnh sau khi VN-Index không thể vượt qua ngưỡng kháng cự 382 điểm vào phiên hôm trước với lượng hàng phân phối quá lớn.

Kết thúc tuần, VN-Index đóng cửa tại mức 365.97 điểm, tăng 18.92 điểm (tương ứng +5.45 %) so với phiên cuối tuần trước. Khối lượng giao dịch được cải thiện đáng kể, chủ yếu do phiên ngày 6/11 với lượng cổ phiếu được bán ra mạnh nhằm hiện thực hóa lợi nhuận, điều này đã giúp thỏa mãn kỳ vọng của bên mua vốn  đang mong chờ một đợt tăng giá mới. Bình quân giao dịch tuần này đạt 19,304,840 cổ phiếu tương ứng 569.62 tỷ đồng/phiên, tăng 1.24% về khối lượng và tăng 1.43% về giá trị so với bình quân tuần trước.

Ngày

VNI

Thay đổi

Số lệnh mua

Số lệnh bán

Khối lượng mua

Khối lượng bán

KL khớp lệnh toàn TT

GT khớp lệnh toàn TT

BQ lệnh mua

BQ lệnh bán

7

365.97

-13.54

12,305

19,373

22,292,650

38,139,010

17,263,510

543,799

1,812

1,969

6

379.51

1.68

18,650

25,401

42,682,220

46,229,420

29,713,660

923,738

2,289

1,820

5

377.83

16.39

17,695

8,687

45,204,450

18,678,320

15,367,040

434,544

2,555

2,150

4

361.44

12.80

18,465

11,726

37,673,800

24,767,100

18,573,130

510,299

2,040

2,112

3

348.64

1.59

13,183

15,337

25,229,230

34,798,090

15,606,860

435,747

1,914

2,269

Tổng

 

 

80,298

80,524

173,082,350

162,611,940

96,524,200

2,848,127

 

 

TB

 

 

16,060

16,105

34,616,470

32,522,388

19,304,840

569,625

2,122

2,064

Mức cao nhất của VN-Index trong tuần là 388.27 điểm, mức thấp nhất là 343.74 điểm. Test ngưỡng kháng cự 382 điểm không thành công, thị trường đang đi tìm các dấu hiệu khác có thể giúp VN-Index tạm giữ số điểm tăng mong manh để tiếp tục cuộc hành trình mới.

Mức chênh lệch khối lượng trong tuần lên đến hơn 14 triệu đơn vị. Sau một vài phiên dồn nén thì ngày 6/11 lượng hàng phân phối có vẻ như đã lên đến đỉnh điểm, báo hiệu cho một kết quả không mấy lạc quan sắp tới, nhất là khi các tin tốt đã được phản ánh hết vào giá vừa qua.

Góp phần không nhỏ trong đợt tăng giá vừa rồi không thể thiếu bóng dáng các Bluechips, những cái tên quen thuộc như STB, SSI, VNM, FPT, PPC đã có chuỗi ngày tăng điểm mạnh đồng hành cùng VN-Index; trong khi DPM, PVD có những phiên giảm với lượng cổ phiếu bán ra mạnh đặc biệt từ khối nhà đầu tư ngoại. Lực cầu thực sự mạnh mẽ và tập trung nhiều nhất ở 2 mã chủ chốt là SSI và STB. Chính sức mạnh được duy trì từ những mã này đã kéo theo sự tham gia nhiệt tình của các mã khác và đem lại sự sôi động cho thị trường.

PVF, cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Tài chính dầu khí Việt Nam, lên sàn ngày 3/11 với giá giảm hết biên độ về 24,000 đồng và lượng cung hàng cực lớn lên đến hàng triệu đơn vị trong khi lực cầu rất yếu, nhưng cũng đã nhanh chóng xoay chuyển tình thế và tăng điểm trở lại vào ngày 5, 6 của tuần giao dịch đầu tiên này.

Điểm nổi bật qua các phiên giao dịch trong tuần chính là sự vượt trội về khối lượng và giá trị giao dịch vào phiên ngày 06/11. Ngay đầu đợt 1 sự điều chỉnh đã xuất hiện rõ, giảm 6.25 điểm nhưng đã phục hồi trở lại vào đợt 2 khi lượng cầu gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, sau một thời gian tăng khá bên cạnh thị trường chứng khoán thế giới cũng đang giảm trở lại khiến cho các nhà kinh doanh chứng khoán quyết định hiện thực hóa lợi nhuận và bảo toàn các khoản lời đã có vừa qua. Do đó, sau diễn biến giằng co quyết liệt giữa 2 bên cung cầu, thị trường đóng cửa chỉ nhích nhẹ 1.68 điểm với khối lượng khớp trên 29.7 triệu đơn vị. Mặc dù vậy, các nhà đầu tư có khả năng mua bán trong khung thời gian cực ngắn cũng đã có được niềm vui khi chênh lệch giữa mức cao nhất và thấp nhất trong ngày này lên đến 19 điểm cho VN-Index và biến động trần sàn liên tục cho các mã cố phiếu thanh khoản cao.

Thống kê sơ bộ mức tăng giảm giá và khối lượng của 10 mã cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường trong tuần này:

 

 

Giá

Tổng khối lượng khớp

STT

Ngày 31/10

Ngày 7/11

Thay đổi

Tuần trước

Tuần này

Thay đổi

1

DPM

47,000

45,200

-3.83%

4,048,410

3,618,500

-10.62%

2

VNM

78,000

88,000

12.82%

989,240

1,648,650

66.66%

3

STB

21,800

23,300

6.88%

12,031,410

20,244,260

68.26%

4

PVF

 

23,400

 

 

 

 

5

PVD

80,000

80,000

0.00%

1,006,870

1,401,710

39.21%

6

VPL

85,000

95,500

12.35%

236,120

115,830

-50.94%

7

VIC

71,500

76,500

6.99%

462,980

154,360

-66.66%

8

PPC

22,300

25,600

14.80%

1,196,210

2,259,810

88.91%

9

FPT

74,500

61,000

 

1,773,840

3,794,760

113.93%

10

HPG

32,500

35,000

7.69%

4,538,210

4,241,410

-6.54%

STB tiếp tục là điểm sáng trong tuần này, với thông tin ngân hàng này sẽ mua lại 25 triệu cổ phiếu quỹ kể từ 18/11 tới đây cùng những thông tin tích cực sau các quyết định của Ngân hàng Nhà nước đã thôi thúc các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào. Chính vì vậy lực cầu luôn được duy trì mạnh tại mã này, phiên ngày 6/11 khớp trên 7 triệu đơn vị (chiếm gần 24% khối lượng giao dịch toàn thị trường) và chỉ chính thức tạm dừng vào phiên cuối tuần với lượng bán sàn áp đảo cầu yếu ớt.

Dường như hòa cùng không khí sôi động và phấn khởi chung của thị trường, các nhà đầu tư ngoại cũng giảm dần việc bán ròng và đã mua ròng lần đầu tiên sau suốt 1 tháng qua vào 3 phiên giao dịch cuối tuần. Tính chung cả tuần, khối ngoại mua 8,912,760 CP trong khi bán ra 9,160,220 CP. Như vậy, chuỗi ngày bán ròng của khối ngoại đã chính thức được cắt cơn, điều này sẽ có những tác động tích cực đến tâm lý của các nhà đầu tư trong nước.

Trong tuần, thông tin đáng chú ý và có những ảnh hưởng trực tiếp và tích cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam đó là quyết định của Ngân hàng Nhà nước về việc giảm lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc được công bố vào ngày 3/11. Theo đó, kể từ ngày 5/11, lãi suất cơ bản chính thức giảm 1% xuống còn 12%/năm. Như vậy, trong vòng 2 tuần, lãi suất đã được cắt giảm 2 lần hạ xuống từ 14%/năm còn 12%/năm, khiến cho lãi suất trần giảm từ 21%/năm xuống còn 18%/năm. Điều này phần nào hỗ trợ các doanh nghiệp bắt đầu giảm phần nào áp lực vay vốn để hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu. Đồng thời, việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 11% xuống còn 10% sẽ phần nào tăng tính thanh khoản cho khối ngân hàng, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp đồng nghĩa với việc góp phần giảm nợ sắp chuyển thành nợ xấu của ngân hàng. Chính những điều đó đã khiến cho tâm lý giới đầu tư ổn định hơn và họ đã chào đón các thông tin này một cách tích cực và đã phản ánh qua giá cổ phiếu trong tuần.

Như vậy, với các thông tin tích cực xuất hiện đúng những thời điểm nhạy cảm và cần thiết đã góp phần tạo môi trường tâm lý tốt cho các nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán đã có những phiên giao dịch phấn khởi và đầy lạc quan. Nhưng xét theo một khía cạnh khác, việc cắt giảm lãi suất liên tục trong một thời gian ngắn phần nào bộc lộ những khó khăn đang trở nên trầm trọng của nền kinh tế và do đó VN-Index chưa thể có đợt phục hồi bền vững kéo dài được.

Xét về dài hạn, thị trường vẫn trong xu thế xuống giá dù luôn tồn tại những cơ hội cho các con sóng nhỏ của thị trường. Với những diễn biến không mấy lạc quan của thị trường thế giới gần đây, các nhà đầu tư vẫn nên hết sức thận trọng và việc vượt qua mốc 400 điểm đang trở nên khó khăn hơn nhiều với VN-Index.

C. Khuyến nghi đầu tư:

Tuần 2 tháng 11 là tuần để thị trường đánh giá lại các tác động sau hàng loạt sự kiện trong tuần qua. Trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu chưa có gì khả quan hơn, các quyết định đầu tư trong giai đoạn này phải rất thận trong. Khả năng test thành công mức 414 – 422 của VN-Index ngày càng thấp, nhất là khi mà gắn liền với các đợt tăng giá luôn là các đợt bán ra mạnh mẽ.

Chúng tôi tin rằng tuần 2 tháng 11 là một tuần của cơ hội bán nhiều hơn là cơ hội mua. Mặc dù có thể vẫn xuất hiện một số cơ hội tại một số cổ phiếu, quan điểm của chúng tôi là thận trọng và ưu tiên thanh khoản. Động thái thị trường vào ngày thứ 2 sẽ là tín hiệu tốt cho các dòng vốn mạo hiểm.

Vietstock

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng