Trung Quốc khiến chứng khoán Châu Á hoảng sợ
Hồng Kông và Trung Quốc là hai thị trường chịu tác động nặng nề nhất với mức giảm trên dưới 3%. Giá dầu xuống gần 80 USD/thùng, trong khi đồng USD tăng so với đồng JPY và giảm so với đồng EUR.
Yếu tố góp phần kiềm hãm hoạt động mua vào của nhà đầu tư chính là các kết quả hoạt động kinh doanh quý IV/2009. Cụ thể, lợi nhuận đầy thất vọng từ đại gia nhôm Alcoa của Mỹ đã làm xuất hiện nghi ngờ rằng liệu đợt phục hồi kéo dài 10 tháng qua trên thị trường chứng khoán toàn cầu có tiếp tục được duy trì.
Theo giới phân tích, việc Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc – mà thực chất là ngăn chặn dòng chảy tín dụng – là bước đầu tiên nhằm tiến tới giảm lượng tiền kích thích chảy vào nền kinh tế.
Thế nhưng, động thái này đã tác động mạnh đến toàn thế giới bởi lo lắng rằng bất kỳ sự giảm tốc nào trong nền kinh tế Trung Quốc – nguồn tăng trưởng quan trọng của các nhà xuất khẩu Châu Á và một số khu vực khác – sẽ khiến triển vọng kinh tế trở nên tối tăm hơn.
Các chuyên gia phân tích tại Ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á, DBS cho biết giới chức trách Trung Quốc đang hành động trước một bước bởi mối quan ngại về nguy cơ xuất hiện bong bóng bất động sản và lạm phát ngày càng cao.
Tuy nhiên theo dự đoán của các nhà phân tích này, Trung Quốc sẽ không tăng lãi suất cơ bản cho đến quý III hay quý IV năm nay. Một báo cáo mới đây của ngân hàng DBS có viết: “Nếu Trung Quốc tăng lãi suất sớm hơn Mỹ thì việc kiểm soát dòng tiền nóng chảy vào Trung Quốc sẽ rất khó khăn và gây áp lực lên khả năng tăng giá của đồng Nhân dân tệ.”
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 144.11 điểm (1.3%) xuống 10,735.03 điểm bởi lo ngại tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể hạ nhiệt và đà lao dốc đến chóng mặt của cổ phiếu hãng hàng không quốc gia nước này JAL.
Cụ thể, tiếp theo đà lao dốc 45% ngày hôm qua, cổ phiếu JAL chìm sâu hết biên độ đến 81% khi thời điểm hãng đệ đơn phá sản sắp cận kề.
Cổ phiếu các công ty thiết bị xây dựng và sản xuất thép tại Nhật cũng đồng loạt giảm giá mạnh. Theo chuyên gia phân tích của ngân hàng Credit Suisse, sự suy yếu nhu cầu từ Trung Quốc – vốn đang chiếm gần 50% nhu cầu thép toàn thế giới – sẽ tác động mạnh đến ngành thép Nhật Bản bất chấp khi nhu cầu trong nước phục hồi.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông trượt dài 578.04 điểm 2.6% xuống 21,748.60 điểm, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc chìm 3.1% đóng cửa tại 3,172.66 điểm.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc rớt 1.6% xuống 1,671.41 điểm, chỉ số Straits Times của Singapore hạ 0.95%, chỉ số S&P/ASX của Australia lùi 0.6%.
Giá dầu tại Châu Á đi xuống sau khi nhận được báo cáo dự trữ xăng dầu và các sản phẩm chưng cất tại Mỹ gia tăng. Hợp đồng giao dầu Tháng 2 giảm xuống 62 cent xuống 80.17 USD/thùng.
Trên thị trường tiền tệ, đồng USD tăng từ 90.99 USD/EUR lên 91.34 JPY/USD. Đồng EUR cũng tăng từ 1.4482 USD/EUR lên 1.4486 USD/EUR.
Trong phiên giao dịch đang diễn ra tại Châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0.1%, chỉ số CAC 40 của Pháp mất gần 0.1%, ngược lại chỉ số DAX của Đức nhích 0.1%. Thị trường tương lai Mỹ ra dấu cho phiên mở cửa tăng điểm nhẹ, chỉ số S&P 500 cộng 1.8 điểm (0.2%) lên 1,135.70 điểm.
Phạm Thị Phước (Theo AP)