Tin tức
Vì sao Allianz rút khỏi Việt Nam?

Vì sao Allianz rút khỏi Việt Nam?

12/09/2005

Banner PHS

Vì sao Allianz rút khỏi Việt Nam?

Tập đoàn bảo hiểm Allianz rút khỏi thị trường Việt Nam vào thời điểm khá nhạy cảm. Hiện có nhiều lý do được bàn luận về sự ra đi này…

Tập đoàn bảo hiểm Allianz rút khỏi thị trường Việt Nam vào thời điểm khá nhạy cảm. Hiện có nhiều lý do được bàn luận về sự ra đi này…

 

Gần một năm nay, chuyện ra đi khỏi thị trường Việt Nam của Allianz, một tập đoàn tài chính và bảo hiểm hàng đầu của Đức, xuất hiện thường nhật hơn trong những cuộc trà dư tửu hậu của giới bảo hiểm. Từ chỗ rì rào, truyền miệng nay thông tin đã được công khai hóa khi cách đây hơn 1 tháng.

 

Công ty Bảo hiểm Việt- Úc (BIDV-QBE), một liên doanh giữa Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) và Tập đoàn bảo hiểm QBE của Australia, đã chính thức đệ đơn lên Bộ Tài chính xin ý kiến về việc mua lại toàn bộ Công ty Allianz Vietnam.

Tuy nhiên, phía Bộ Tài chính lại chưa có xác nhận chính thức nào đối với thông tin này. Vụ Bảo hiểm, Bộ Tài chính, nói rằng vẫn chưa nhận được đơn xin phép ngừng hoạt động tại Việt Nam do Allianz nộp lên.

 

"Hiện nay, các đơn vị này vẫn đang hoạt động bình thường, thương hiệu vẫn rất tốt. Nhưng nếu khả năng này xảy ra thì Bộ Tài chính sẽ giải quyết theo đúng quy định và trên tinh thần bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm", một lãnh đạo Vụ Bảo hiểm nhấn mạnh.

 

Thời điểm nhạy cảm

Không riêng gì tại Việt Nam, trong đợt này tại Đài Loan và một số nước khác trong khu vực, Allianz sẽ lần lượt đóng cửa các công ty con và sang nhượng lại phần vốn cho một công ty khác.

Mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế thì chuyện thành lập, sang nhượng hay đóng cửa của các doanh nghiệp sẽ là hết sức bình thường. Chỉ có điều, trường hợp chuyển giao như Allianz thì chưa có tiền lệ và cũng từng xảy ra trong lĩnh vực bảo hiểm ở Việt Nam.

 

Giới thạo tin trong ngành bảo hiểm thì cho rằng nguyên nhân chính khiến Allianz rút vốn khỏi Việt Nam là do chiến lược kinh doanh toàn cầu của họ đã thay đổi. Allianz chỉ tập trung khai thác những thị trường lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, nơi có chi nhánh và cơ sở vững chắc.

 

Không riêng gì tại Việt Nam, trong đợt này tại Đài Loan và một số nước khác trong khu vực, Allianz sẽ lần lượt đóng cửa các công ty con và sang nhượng lại phần vốn cho một công ty khác.

 

Sâu xa hơn, lý do khiến Allianz rút khỏi thị trường là kết quả kinh doanh trong 5 năm qua không đạt như mong muốn. Năm 1999 Công ty Allianz-AGF được cấp phép thành lập với số vốn đầu tư 7,5 triệu USD, trở thành công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài đầu tiên nhận giấy phép hoạt động tại Việt Nam. Đây là liên doanh giữa hai tập đoàn bảo hiểm quốc tế Allianz và AGF (Pháp). Năm 2002, AGF đã chuyển hết phần hùn cho Allianz và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) trở thành đối tác mới với 15% vốn góp.

 

Mặc dù cải tiến các sản phẩm được cấp phép và triển khai nhiều hoạt động trên phạm vi toàn quốc cùng với việc tập trung vào các bảo hiểm cho các khách hàng ở ĐBSCL và Hà Nội song cuối năm 2004, Allianz Việt Nam đạt thị phần doanh thu phí là 1,66%, giảm so với năm 2003 và xếp thứ 3 trong khối 8 doanh nghiệp bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài.

 

Chọn người để bán

Những người hiểu về bảo hiểm thì cho rằng việc chuyển giao sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng...

Hiện thương vụ này đang trong giai đoạn chờ sự phê chuẩn của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Allianz vẫn chưa chính thức nộp đơn xin phép ngừng hoạt động tại Việt Nam. Đã có đơn của BIDV-QBE, nếu thêm đơn của Allianz, thủ tục sẽ đầy đủ và Bộ Tài chính sẽ xem xét giải quyết theo đúng quy định.

 

Một chuyên gia bảo hiểm cho biết nếu hai bên đạt được thỏa thuận cuối cùng, Allianz sẽ chuyển giao những hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực cho BIDV-QBE. Những hợp đồng nào rơi vào những sản phẩm, nghiệp vụ mà BIDV-QBE chưa cung cấp trên thị trường, công ty sẽ tiến hành đăng ký với Bộ Tài chính.

 

Nhiều chuyên gia bảo hiểm nhận xét rằng việc chuyển giao này cũng hàm chứa rủi ro cho phía BIDV-QBE, nhưng bù lại với số hợp đồng mới tiếp nhận được, công ty sẽ vươn lên chiếm vị trí thứ hai trong khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ vị trí thứ tư hiện nay với thị phần chỉ 0,5%.

 

Những người hiểu về bảo hiểm thì cho rằng việc chuyển giao sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng bởi phía nhận bàn giao là một công ty bảo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam. Họ sẽ không dại gì để mất hàng trăm khách hàng và cơ hội tăng thị phần lên gấp 3, gấp 4 lần. Đối với bảo hiểm, chữ tín và niềm tin vẫn là yếu tố quyết định tới sự sống của công ty bảo hiểm.

 

Chuyển giao thế nào?

Kể từ ngày Bộ Tài chính chấp thuận văn bản đề nghị chuyển giao, doanh nghiệp chuyển giao không được tiếp tục ký kết hợp đồng bảo hiểm mới thuộc nghiệp vụ bảo hiểm đã được chuyển giao.

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, nếu một doanh nghiệp bảo hiểm giải thể, sáp nhập..., thì phải chuyển giao toàn bộ hợp đồng bảo hiểm của một hoặc một số nghiệp vụ bảo hiểm cho doanh nghiệp khác. Nếu hai bên không thỏa thuận được, Bộ Tài chính sẽ đứng ra chỉ định doanh nghiệp bảo hiểm nhận chuyển giao. Khi đó, các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng bảo hiểm không thay đổi cho đến khi hết thời hạn hợp đồng và việc chuyển giao hợp đồng phải kèm theo việc chuyển giao các quỹ và dự phòng nghiệp vụ liên quan.

 

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị chuyển giao, Bộ Tài chính sẽ có văn bản chấp thuận, từ chối chấp thuận hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đề nghị chuyển giao.

 

Sau khi chấp thuận hồ sơ đề nghị chuyển giao, Bộ Tài chính sẽ cấp giấy phép điều chỉnh cho doanh nghiệp chuyển giao phù hợp với các nghiệp vụ bảo hiểm mà doanh nghiệp chuyển giao còn được phép tiến hành.

 

Theo Thông tư số 98/2004/TT-BTC ban hành ngày 19/10/2004 hướng dẫn thi hành Nghị định số 42/2001/NĐ-CP ngày 01 tháng 08 năm 2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm, việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm được quy định rõ rằng, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm có thể chuyển giao toàn bộ hợp đồng bảo hiểm của một hay một số nghiệp vụ bảo hiểm (sau đây gọi tắt là chuyển giao) cho các doanh nghiệp bảo hiểm khác được phép hoạt động tại Việt Nam. Việc chuyển giao phải đảm bảo nguyên tắc không gây thiệt hại đến quyền lợi của bên mua bảo hiểm sau khi thực hiện việc chuyển giao.

 

Bên mua bảo hiểm được phép huỷ hợp đồng bảo hiểm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về việc chuyển giao tính theo dấu bưu điện. Trong trường hợp bên mua bảo hiểm huỷ hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp chuyển giao phải hoàn lại cho bên mua bảo hiểm số phí bảo hiểm đã nhận tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm sau khi trừ đi các chi phí hợp lý có liên quan đối với bảo hiểm phi nhân thọ; hoặc số phí bảo hiểm bên mua bảo hiểm đã đóng sau khi trừ đi các chi phí hợp lý có liên quan đối với bảo hiểm nhân thọ.

 

Kể từ ngày Bộ Tài chính chấp thuận văn bản đề nghị chuyển giao, doanh nghiệp chuyển giao không được tiếp tục ký kết hợp đồng bảo hiểm mới thuộc nghiệp vụ bảo hiểm đã được chuyển giao.

 

Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày Bộ Tài chính phê chuẩn kế hoạch chuyển giao, doanh nghiệp chuyển giao phải chuyển cho doanh nghiệp nhận chuyển giao: toàn bộ các hợp đồng bảo hiểm đang có hiệu lực thuộc kế hoạch chuyển giao đã được Bộ Tài chính phê chuẩn, các hồ sơ khiếu nại chưa giải quyết liên quan đến nghiệp vụ bảo hiểm được chuyển giao, toàn bộ tài sản, các quỹ và dự phòng nghiệp vụ liên quan đến những hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao.

TBKTVN

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng