Tin tức
Vì sao người ta thích giữ tiền mặt?

Vì sao người ta thích giữ tiền mặt?

16/11/2005

Banner PHS

Vì sao người ta thích giữ tiền mặt?

Mệnh lệnh hành chính đã chứng tỏ không hiệu quả và đến nay các giải pháp thị trường phải vào cuộc. Khi mà dịch vụ ngân hàng trở nên tiện lợi, chẳng cần mệnh lệnh người ta cũng thanh toán qua ngân hàng...

Mệnh lệnh hành chính đã chứng tỏ không hiệu quả và đến nay các giải pháp thị trường phải vào cuộc. Khi mà dịch vụ ngân hàng trở nên tiện lợi, chẳng cần mệnh lệnh người ta cũng thanh toán qua ngân hàng.

 

Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)  tổ chức tọa đàm lấy ý kiến xây dựng về Nghị định Thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ (dự kiến sẽ  ban hành cuối năm nay và thực hiện 2006 khiến chúng ta lại một lần nữa đặt câu hỏi: Vì sao chúng ta vẫn thích dùng tiền mặt?

 

Chuyện buồn về thẻ ATM

 

Theo chỉ dẫn, tôi đến một trong những ngân hàng lớn nhất hiện nay mở tài khoản và làm một chiếc thẻ ATM. Thủ tục cũng đơn giản thôi, chỉ cần xuất trình giấy chứng minh thư và điền vào một phiếu đăng ký là xong.  Sau một vài ngày chờ đợi, tôi đã được sở hữu một chiếc thẻ xinh xinh nằm gọn trong lòng bàn tay. Hí hửng vì đã có thẻ, có bao nhiều tiền trong túi, tôi dốc sạch đem bỏ vào tài khoản, chỉ để lại 2.000 trả tiền gửi xe.

 

Hăm hở chạy xuống 18 tầng lầu để rút thử tiền lần đầu tiên. Sau những thủ tục đổi mật khẩu cần thiết, chọn con số 100.000 rút thử. Hồi hộp chờ đợi, một lúc sau, trên màn hình hiện ra dòng chữ: Xin lỗi máy hết tiền, mong quý khách thông cảm! Đành phải mượn tạm thằng bạn vài trăm nghìn tiêu đỡ. Vài ngày sau hết tiền, ra chiếc máy gần nhà, chưa kịp cho thẻ vào đã thấy dòng chữ: Hệ thống tạm thời không phục vụ, xin quý khách thông cảm!

 

Hôm sau, chở bà xã đi siêu thị, muốn lấy điểm nên nói với bà xã không cần mang tiền theo. Không biết hứng thú gì mà hôm đó thấy gì bà xã cũng mua. Sau khi các tính tiền hết cả giỏ hàng khổng lồ, tôi rút thẻ đưa cho cô bán hàng với đầy vẻ tự tin. Tự nhiên thấy cô thu ngân nhíu mày "Xin lỗi anh, thẻ này chưa được thanh toán tại siêu thị chúng tôi”. Toát mồ hôi hột! Lúc đó có người mách rằng ở tầng 1 có một chiếc máy rút tiền. Vội vàng chạy xuống, loay hoay một hồi lại phát hiện ra máy này của ngân hàng khác nên thẻ không rút tiền được.

 

Giữ tiền mặt?

 

Sau sự cố trên, đành đến ngân hàng rút một số tiền mặt về cất trong nhà. Có lẽ, tôi không phải là ngoại lệ về những phiền toái đã nhận được khi sử dụng dịch vụ thẻ ATM.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối năm 2004, tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông vẫn còn chiếm đến 20,35% tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế. Con số này đã giảm khoảng 1/3 so với cách đây một chục năm, nhưng vẫn còn rất cao nếu so với trình độ thế giới hiện nay.

 

Dịch vụ thẻ

 

Nghe đâu mấy năm về trước, một số ngân hàng cũng họp lại với nhau để thiết lập hệ thống thanh toán chung, nhưng do không thống nhất được trong việc chọn ngân hàng đầu mối (hiểu nôm na là người đứng đầu) nên mỗi ngân hàng mạnh ai nấy lập riêng mạng lưới máy ATM của mình. Chính vì lý do này mà hệ thống thanh toán ở Việt Nam nếu tính tất cả đã là rất nhỏ rồi mà còn chia năm xẻ bảy nữa thì càng siêu nhỏ.

 

Theo số liệu thống kê, hiện nay nước ta đã có khoảng 2 triệu thẻ ATM được phát hành, khoảng chừng 1.000 máy ATM được lắp đặt, cộng thêm một lượng khiêm tốn các điểm mua sắm có thể chấp nhận thanh toán bằng thẻ. Con số không lấy gì làm lớn đó lại bị chia manh mún ra cho nhiều ngân hàng và nhiều địa phương. Ngay như ngân hàng Vietcombank có thị phần lớn nhất nhưng vẫn chưa được 1 triệu thẻ và chưa đến 500 máy.

 

Đó là chưa nói đến chuyện việc máy bị treo, hết tiền... xảy ra rất thường xuyên. Ai mà không bực mình khi cần tiền mà chẳng rút được. Rồi là chuyện nhân viên các điểm bán hàng không rành thủ tục thanh toán bằng thẻ nên khi thanh toán cho khách hàng rất mất thời gian...

 

Tài khoản ngân hàng

 

Nếu tính về số khách hàng tiềm năng với hơn 100.000 doanh nghiệp và vài chục triệu hộ gia đình, đây là một con số rất lớn. Nhưng trên thực tế, số người có hoạt động thương mại (kể cả những hộ nông dân hàng năm sản xuất và bán ra hàng tấn lúa) sử dụng dịch vụ thanh toán qua ngân hàng là rất ít mà chủ yếu vẫn là tiền tươi thóc thật.

 

Sự manh mún của hệ thống thanh toán cũng giống như vấn đề sử dụng thẻ ở trên. Đến thời điểm này, duy nhất chỉ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có mạng lưới chi nhánh đến một số xã. Bình quân mỗi huyện chỉ có một chi nhánh ngân hàng. Những hộ nông dân có thu nhập vài chục triệu đồng một năm không có nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng vì quá bất tiện. Tiền gửi vào ngân hàng rồi khi cần 15-20 nghìn đồng để mua con cá, mớ rau biết chỗ nào mà rút tiền đâu.

 

Tương tự đối với những người mua bán nhỏ lẻ, những sạp buôn ở các chợ, việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng dường như là quá bất tiện đối với họ.

 

Hệ thống thanh toán không những mỏng mà chất lượng không đảm bảo. Đôi khi vì những lý do hết sức phi lý (một nhân viên bỏ quên chứng từ trong hộc bàn rồi nghỉ phép) mà một khoản tiền chuyển mãi chẳng đến tay người nhận. Rồi là thời gian chờ đợi ....

 

Sự so tính của khách hàng

 

Tài khoản và thẻ không được cái thuận tiện như tiền mặt là có thể chi tiêu bất cứ lúc nào bất cứ nơi đâu. Bao nhiêu cái phải phụ thuộc: tính khí thất thường của máy móc, vào địa điểm đặt máy, vào thời gian làm việc của ngân hàng…

 

Nhưng tài khoản và thẻ giúp cho người có tiền tránh được cái rủi ro mất mát hay hư hỏng tiền mặt. Rồi khi thanh toán các khoản lớn như mua xe mua nhà chỉ cần một cái lệnh chuyển khoản qua ngân hàng thay vì phải mang cả ba-lô tiền đi và ngồi đếm với nhau cả buổi.

 

Tài khoản còn có mối lợi nho nhỏ là tiền lãi. Giả sử các ngân hàng nhắm đến đối tượng khách hàng có số dư trong tài khoản ít nhất 3 triệu và trả lãi suất 0,5%/tháng, thì hàng tháng khách hàng này được hưởng lãi 15 nghìn đồng. Nhưng liệu khoản tiền này có đủ bù đắp cho những phiền toái mỗi khi phải nhờ đến dịch vụ ngân hàng.

 

Yếu tố tâm lý

 

Để quyết định dùng tiền mặt hay không, khách hàng sẽ đặt lên bàn cân tất cả các yếu tố. Nhưng còn phải xét những yếu tố tâm lý của dân ta: tự mình cầm tiền của mình là chắc ăn nhất. Thỉnh thoảng lại nghe nói máy ATM này tính nhầm tiền, lâu lâu lại nghe đồn ngân hàng nọ mất khả năng thanh toán. Đã qua đi cái thời ra ngân hàng rút tiền của chính mình mà cứ như đi ăn xin, nhưng nỗi ám ảnh vẫn còn đâu đó.

 

Ai cũng nói dùng tài khoản góp phần làm cho hệ thống thanh toán minh bạch hơn. Tác dụng thực tế chưa thấy đâu, nhưng đã làm cho bao nhiêu đại gia e ngại. Họ chẳng thích để cho ai đó có thể qua ngân hàng để săm soi các khoản thu chi của mình. Họ nói: ngân hàng mình đâu có được bảo mật như ngân hàng Thụy Sĩ!

 

Hiệu quả kinh tế của cái mới

 

Tập quán sử dụng tiền mặt gây lãng phí xã hội, vì trong khi tiền mặt chỉ nằm yên trong tủ thì đồng tiền trong ngân hàng sẽ được dùng vào lưu thông và sinh lãi từng giờ từng phút. Trong lưu thông, do dòng tiền chảy ngược dòng hàng hoá nên dòng chảy thủ công của tiền mặt không thể nhanh chóng hiệu quả bằng hệ thống điện tử. Do đó, việc giảm tỷ lệ dùng tiền mặt là cần thiết và có lợi cho toàn xã hội.

 

Cạnh tranh giữa cái cũ và cái mới

 

Dùng tiền mặt đã trở thành một tập quán từ hàng nghìn năm nay. Còn thói quen dùng thẻ mới xuất hiện trên thế giới vài chục năm và ở Việt Nam được vài năm.

 

Trong cuộc cạnh tranh giữa cái mới và cái cũ, nhìn lại hàng chục năm qua tiền mặt vẫn thế. Có chăng chút ít cải thiện là sự xuất hiện của tiền mệnh giá cao và máy đếm tiền. Còn hệ thống tài khoản và thẻ liên tục được cải thiện, cả về dịch vụ, công nghệ, qui mô… Sự thắng thế của cái mới là tất yếu, như đã được chứng minh trên thế giới. Vấn đề chỉ còn là thời gian.

 

Giải pháp gần nhất

 

Để chủ động rút ngắn thời gian này, trước đây đã có những qui định bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng. Nhưng kết quả là mệnh lệnh hành chính đã chứng tỏ không hiệu quả và đến nay các giải pháp thị trường phải vào cuộc. Khi mà dịch vụ ngân hàng trở nên tiện lợi, chẳng cần mệnh lệnh người ta cũng thanh toán qua ngân hàng.

 

Để tăng sự tiện lợi, một giải pháp đơn giản là các ngân hàng phải liên kết hệ thống thanh toán với nhau, mở rộng các điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ nhằm tạo ra lợi thế kinh tế theo quy mô. Nếu vẫn bận tranh cãi ai là đầu mối ai là thành viên thì chừng nào hệ thống thanh toán ngân hàng mới tốt lên được. Câu nói ngày xưa: "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại lên hòn núi cao" trong trường hợp này càng đúng.

VNN

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng