Wall Street: “Tháng 1 sao, cả năm vậy?”
Chuyên gia Hank Smith thuộc Công ty Haverford Investments nhận định: “Chúng ta vẫn cần phải tiếp tục theo dõi thêm nhưng dường như đây chính là đợt điều chỉnh mà mọi người luôn nhắc tới trong thời gian qua. Đơn giản là thị trường không thể cứ mãi đi lên từ đáy mà không bước lùi với biên độ ít nhất 10% đối với chỉ số S&P 500 như dự báo của đa số nhà phân tích.”
Lợi nhuận quý IV/2009 vượt kỳ vọng từ các đại gia Intel, Apple và Ford trong tháng qua không tác động nhiều đến từng cổ phiếu nói riêng cũng như toàn thị trường nói chung. Thậm chí khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý IV tăng trưởng với tốc độ mạnh nhất trong vòng 6 năm qua, thị trường cũng không thể gượng dậy mà tiếp tục hứng chịu cảnh xả hàng mạnh mẽ.
Tình trạng yếu kém của thị trường nhiều khả năng tiếp diễn trong tuần đầu tiên của Tháng 2 khi giới đầu tư đón nhận loạt kết quả kinh doanh, cũng như các báo cáo về lĩnh vực tiêu dùng, nhà ở và thị trường lao động.
“Thị trường có rất nhiều cơ hội để đảo chiều nhưng lại không thể tận dụng được. Điều này cho thấy chúng ta đang trải qua một đợt điều chỉnh hay ít nhất là xu hướng đi ngang.”, nhận xét của chiến lược gia John Wilson tại Công ty Morgan Keegan.
Chứng khoán Mỹ mở đầu năm nay với các mức tăng ấn tượng, đẩy hai chỉ số Dow Jones, S&P 500 lên mức cao trong vòng 15 tháng và Nasdaq chạm đỉnh cao chưa từng thấy kể từ vụ sụp đổ lịch sử của Lehman Brothers vào Tháng 9/2008.
Tuy nhiên, hai tuần cuối cùng của Tháng 1 lại là một đợt suy giảm mạnh khiến các chỉ số chính dắt tay nhau lao dốc, bởi các dự đoán rằng thị trường đã thực sự đi trước một bước so với đà phục hồi chậm chạp của nền kinh tế.
Tác nhân châm ngòi cho việc chốt lời mạnh mẽ của giới đầu tư chính là động thái siết chặt tín dụng của Trung Quốc, kế hoạch cắt giảm hoạt động giao dịch đối với một số ngân hàng lớn của Nhà Trắng, lời cảnh báo của một số cơ quan xếp hạng tín dụng liên quan đến các khoản nợ của Nhật Bản và Anh cũng như những nghi vấn xung quanh nhiệm kỳ hai của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke. Và cuối cùng thì ông Bernanke cũng giành quyền tiếp tục chèo lái FED nhưng những vấn đề khác thì vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa.
Trong tháng tối tăm nhất của Wall Street kể từ Tháng 2/1009, chỉ số Dow Jones hạ 3.5%, S&P 500 rớt 3.7% và Nasdaq giảm sâu 5.4%. Theo dự đoán, bức tranh Tháng 2 của chứng khoán Mỹ cũng không mấy sáng sủa.
Chủ tịch Paul Mendelsohn của Hãng Dịch vụ Tài chính Windham phát biểu: “Chúng ta đã chứng kiến một số đợt điều chỉnh nhẹ kể từ khi thị trường chạm đáy hồi Tháng 3 nhưng theo sau đó là các đợt phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay hoàn toàn khác xa so với lúc đó.”
Theo ông, nhà đầu tư làm ngơ trước các thông tin tốt bởi họ đã quên mất quý I mà mải hướng đến quý II và nửa sau năm nay cùng với mối quan ngại rằng các điều kiện kinh tế có thể trở nên khắc nghiệt hơn.
Tăng trưởng lợi nhuận được dự đoán suy giảm dần trong năm nay và sự cải thiện nhẹ trên thị trường nhà ở thời gian qua chỉ là tạm thời. Đề xuất giới hạn hoạt động của các ngân hàng lớn, thâm hụt ngân sách leo thang và việc ngăn chặn dòng chảy tín dụng của Trung Quốc sẽ tiếp tục gây ra những lo lắng nhất định trong giới đầu tư.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng một giai đoạn suy giảm với biên độ từ 10%-15% nhiều khả năng thu hút được các nhà đầu tư mới. Kể từ khi chạm mức cao 15 tháng xác lập ngày 19/01 và mức đóng cửa ngày Thứ Sáu tuần trước, chỉ số S&P 500 đánh mất 6.6%.
Lợi nhuận doanh nghiệp và thị trường có đi cùng chiều?
Tuần này, thị trường sẽ tiếp nhận khoảng 95 báo cáo tài chính của các công ty S&P 500 (chiếm tỷ lệ 19% trong tổng số thành viên). Đáng chú ý là kết quả kinh doanh của Exxon Mobil, Time Warner, Pfizer, Cisco Systems (ngày Thứ Tư) và Toyota (ngày Thứ Năm).
Theo ước tính của Thomson Reuters, với khoảng 220 công ty (tương đương 44% tổng số thành viên S&P 500) đã công bố báo cáo tài chính, lợi nhuận đã tăng 206% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu cũng tăng trưởng khoảng 7% trong vòng một năm qua. Nếu loại trừ lĩnh vực tài chính, lợi nhuận và doanh thu chỉ tăng lần lượt 15% và 2% so với cùng kỳ 2008.
Thế nhưng, bức tranh lợi nhuận lạc quan này lại không thể chuyền thành động lực tăng điểm cho thị trường chứng khoán.
Lịch trình công bố các thông tin kinh tế Mỹ trong tuần
Thứ Hai: Đây được xem là một ngày khá nhộn nhịp của các thông tin kinh tế với ba bản báo cáo của Chính phủ về chi tiêu, thu nhập cá nhân và lĩnh vực sản xuất sẽ được công bố trước giờ thị trường mở cửa.
Thu nhập và chi tiêu cá nhân Tháng 12 được dự đoán tăng lần lượt 0.3% và 0.2%, thấp hơn mức 0.4% và 0.5% trong tháng trước. Chi tiêu xây dựng cùng tháng ước giảm 0.5% sau khi hạ 0.6% trong Tháng 11.
Chỉ số sản xuất ISM Tháng 1 có thể tăng lên mức 56.1 điểm từ 55.9 điểm của Tháng 12.
Thứ Ba: Hiệp hội các nhà kinh doanh bất động sản quốc gia (NAR) sẽ thông báo doanh số nhà chờ bán vào buổi sáng cùng với doanh số bán ô tô Tháng 1 từ các nhà sản xuất ô tô của Mỹ.
Trong khi đó tại Washington, Ủy ban Ngân sách Thượng viện cũng tổ chức buổi điều trần về nguồn ngân sách năm 2010 vào buổi sáng. Sau đó, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), nay là cố vấn kinh tế Paul Volcker sẽ đứng ra điều trần về kế hoạch cải cách hệ thống tài chính trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện.
Thứ Tư: Trong ngày này, nhà đầu tư sẽ đón nhận một loạt số liệu về thị trường lao động. Đáng chú ý là báo cáo về số việc làm trong lĩnh vực tư nhân của Công ty Dịch vụ Tuyển dụng ADP và số việc làm bị cắt giảm trong Tháng 1 từ Công ty Tư vấn Challenger Gray & Christmas.
Số liệu về lĩnh vực dịch vụ Tháng 1 của ISM và báo cáo về lượng dự trữ dầu thô của Chính phủ sẽ được đưa ra vào buổi sáng.
Thứ Năm: Các nhà bán lẻ dự kiến công bố doanh số bán Tháng 1. Bên cạnh đó, Bộ Thương mại và Bộ Lao động Mỹ cũng có kế hoạch thông báo số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần và số đơn đặt hàng tại các nhà máy.
Thứ Sáu: Thông tin quan trọng nhất trong ngày là báo cáo việc làm và tỷ lệ thất nghiệp Tháng 1 của Bộ Lao động Mỹ. Theo dự đoán của đa số các nhà kinh tế, các công ty đã tuyển dụng khoảng 13,000 việc làm sau khi cắt giảm 85,000 trong tháng cuối năm 2009.
Kết quả của một cuộc khảo sát riêng biệt cho thấy tỷ lệ thất nghiệp sẽ đứng yên ở mức 10%.
Phạm Thị Phước (Theo Reuters)