Xác định giá trị Vietcombank: Đã thấy lối ra
Cuối cùng thì tiến trình cổ phần hoá (CPH) Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã được đẩy nhanh trở lại bằng việc Chính phủ chính thức đồng ý cho Vietcombank thuê tư vấn nước ngoài để xác định giá trị doanh nghiệp...
Cuối cùng thì tiến trình cổ phần hoá (CPH) Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã được đẩy nhanh trở lại bằng việc Chính phủ chính thức đồng ý cho Vietcombank thuê tư vấn nước ngoài để xác định giá trị doanh nghiệp.
Công văn truyền đạt kết luận của Chính phủ sau buổi làm việc của Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng với lãnh đạo Vietcombank hồi trước Tết Nguyên đán được công bố cuối tuần qua cho thấy điểm “ách tắc” về pháp lý cho công đoạn định giá Vietcombank đã có lối ra: thuê tư vấn quốc tế.
Điều này, theo các nhà phân tích quốc tế, là hoàn toàn đúng đắn và khôn ngoan bởi lẽ sự định giá doanh nghiệp Nhà nước nói chung lâu nay vốn đã khá phức tạp, thậm chí nhiều khi chưa phản ảnh đúng giá trị thực của doanh nghiệp.
Ngay như tại Hội nghị CPH doanh nghiệp Nhà nước vừa qua, ông Phạm Viết Muôn, Phó Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (NSCERD) cũng cho rằng một trong hai khó khăn cơ bản nhất của tiến trình CPH doanh nghiệp Nhà nước là định giá doanh nghiệp.
Trong khi đó, đây lại là lần đầu tiên Việt Nam tiến hành CPH một ngân hàng thương mại quốc doanh, hơn nữa lại là Vietcombank - một ngân hàng được xem như là hàng đầu của Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
“Định giá doanh nghiệp bình thường vốn đã khó, nên định giá một ngân hàng như Vietcombank sẽ chẳng dễ dàng chút nào”, ông Warrick Cleine, Phó tổng giám đốc hãng tư vấn kiểm toán quốc tế KPMG tại Việt
Ngay sau khi nhận được thông tin này, Tổng giám đốc Vietcombank Vũ Viết Ngoạn cho biết là trước mắt Vietcombank và Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn tất và trình Chính phủ đề án CPH cuối cùng trong quý I năm nay. “Sau đó, một khi đề án được (Chính phủ) duyệt, chúng tôi sẽ tiến hành thủ tục thuê tư vấn nước ngoài”, ông Ngoạn cho biết như vậy cuối tuần qua.
Đương nhiên, ở thời điểm hiện tại, ông Ngoạn khẳng định là chưa “chấm” một hãng tư vấn nào nhưng kể từ khi thông tin về kế hoạch CPH Vietcombank vài năm trước đây, đã “có rất nhiều hãng đã đến làm việc và bày tỏ ý định tham gia”.
Trong khi đó, theo công văn truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ yêu cầu đề án CPH Vietcombank phải bảo đảm “Nhà nước giữ cổ phần chi phối”, đồng thời đảm bảo để ngân hàng này hoạt động tốt, và việc CPH Vietcombank phải được triển khai ngay trong năm 2005.
Ông Ngoạn khẳng định là trong giai đoạn đầu Nhà nước sẽ vẫn nắm giữ ít nhất là 51% cổ phần, còn việc giảm dần tỷ lệ này nhưng vẫn bảo đảm quyền chi phối của Nhà nước sẽ nằm ở giai đoạn sau đó, chí ít là vài năm sau khi tiến trình CPH đã thực sự diễn ra. Điều này phù hợp với mục tiêu đổi mới Vietcombank theo hướng đa sở hữu nhưng Nhà nước phải giữ vai trò kiểm soát.
Còn từ nay tới trước cuối quý II/2005, Vietcombank sẽ chuẩn bị cho việc phát hành cổ phiếu ưu đãi, tổng trị giá khoảng 1.500 tỷ đồng, chứ không phải là 2.500 tỷ đồng như thông tin đưa ra hồi cuối năm 2004. Hiện tổng vốn tự có của Vietcombank là khoảng 7.000 tỷ đồng, và ước tính sau khi định giá, con số này có thể lên gấp 2 lần.
Việc dành một phần cổ phiếu cho các đối tác chiến lược nước ngoài cũng là tâm điểm của tiến trình CPH Vietcombank lần này. Theo quy định hiện hành, mỗi cổ đông nước ngoài không giữ quá 10% cổ phiếu và tổng số cổ đông nước ngoài không giữ quá 30% cổ phiếu. Theo các nhà phân tích, đối với trường hợp của Vietcombank, việc dành 5% cổ phiếu cho 4 - 5 đối tác nước ngoài có lựa chọn sẽ mang lại hiệu quả lớn cho hoạt động của ngân hàng.
“Bất cứ một sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài nào (vào Vietcombank) cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên tỷ lệ tham gia bao nhiêu sẽ cần có sự thảo luận”, ông Nguyễn Khắc Thành, Tổng giám đốc hãng tư vấn kiểm toán Ernst & Young tại Việt
Theo nhiều nguồn tin, việc cho phép các nhà đầu tư chiến lược tham gia vào tiến trình CPH Vietcombank có vẻ như đã nhận được sự đồng thuận của các bộ, ngành hữu quan, bởi nó sẽ giúp Vietcombank thu hút được công nghệ, kinh nghiệm quản lý của các tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới.
Một khi điều này được thực hiện, theo các nhà phân tích, thì mục tiêu đưa Vietcombank trở thành một tập đoàn tài chính lớn của Việt Nam như ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sẽ không phải là quá xa vời.
TBKTVN