Xung quanh chuyện Lenovo mua lại một phần IBM
Việc Lenovo Group Ltd., nhà sản xuất PC lớn nhất Trung Quốc, mua lại phân nhánh sản xuất mặt hàng này của IBM vừa qua là sự kiện lớn nhất trong ngành công nghệ thông tin thế giới năm nay...
Việc Lenovo Group Ltd., nhà sản xuất PC lớn nhất Trung Quốc, mua lại phân nhánh sản xuất mặt hàng này của IBM vừa qua là sự kiện lớn nhất trong ngành công nghệ thông tin thế giới năm nay.
Các nhà phân tích cho rằng sự kiện này sẽ mở đường cho các công ty Trung Quốc vươn tầm hoạt động ra thế giới.
Giá trị của vụ mua bán giữa Lenovo với IBM phần nào nói lên rằng đây là sự kiện lớn nhất trong năm. Lenovo đã bỏ ra 1,25 tỉ đô-la Mỹ để mua lại phân nhánh sản xuất máy tính cá nhân của IBM, trong đó có 650 triệu đô-la Mỹ được trả bằng tiền mặt và 600 triệu được trả bằng cổ phiếu phổ thông của Lenovo, tương đương 18,9% cổ phần của Lenovo. Ngoài ra, công ty Trung Quốc còn phải đảm nhận khoản nợ 500 triệu đô-la Mỹ của phân nhánh IBM này.
Để đi đến việc ký kết thỏa thuận mua bán, hai bên đã mất 13 tháng để đàm phán. Dự kiến, vụ mua bán sẽ tạo ra một công ty sản xuất máy tính cá nhân đứng hàng thứ ba thế giới.
Hai bên cùng có lợi
Động cơ nào đã thúc đẩy vụ mua bán trên? Theo các nhà phân tích, hai bên đều đang có chiến lược phát triển riêng và vụ mua bán này là một động thái cả hai đều có lợi vì phù hợp với hướng phát triển của IBM lẫn Lenovo.
Gần đây, lợi nhuận từ phân nhánh sản xuất máy tính cá nhân của IBM có chiều hướng sụt giảm và tập đoàn đã quyết định rút lui khỏi lĩnh vực này. Các nhà phân tích cho rằng, IBM phải bán lại phân nhánh sản xuất máy tính cá nhân cho Lenovo để có thể tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh có khả năng sinh lợi nhiều hơn như máy tính chủ, lưu trữ, cũng như phần mềm và dịch vụ máy tính.
Mặt khác, qua việc bán lại này, IBM cũng có lợi khi Lenovo mở rộng kinh doanh, do IBM nắm giữ 18,9% cổ phần của công ty Trung Quốc.
Lenovo chính là Legend trước đây, một công ty quốc doanh được thành lập vào năm 1984. Tuy nổi tiếng ở Trung Quốc (chiếm 27% thị phần máy tính cá nhân), nhưng Lenovo lại ít được người sử dụng máy tính trên thế giới biết đến. Lenovo chỉ đứng thứ tám trong số các nhà sản xuất máy tính cá nhân thế giới.
Trong những năm gần đây, Lenovo đã thực hiện nhiều nỗ lực để vươn ra thị trường thế giới, trong đó có việc đổi tên thương hiệu từ Legend thành Lenovo. Tuy nhiên, các nỗ lực này đều không có tác dụng gì nhiều. Hơn nữa, trên thị trường Trung Quốc, cạnh tranh đã bắt đầu trở nên gay gắt, đe dọa vị trí hàng đầu của Lenovo.
Vì vậy, Lenovo hy vọng việc mua bán với IBM sẽ giúp vừa củng cố vị thế trên sân nhà, vừa thực hiện được tham vọng bành trướng ra thế giới. Huang Yong, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Phát triển công nghệ thông tin Trung Quốc, nói: "Thương hiệu IBM đại diện cho sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao. Lenovo là một nhãn hiệu phổ biến ở Trung Quốc. Thế nhưng, ở Mỹ và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhiều khách hàng vẫn còn lạ lẫm với nhãn hiệu này. Vụ mua bán là một dịp tốt để Lenovo làm cho hình ảnh của mình trở nên phổ biến hơn".
Theo thỏa thuận, Lenovo sẽ được sở hữu nhóm thương hiệu IBM "Think", trong đó có máy vi tính xách tay hiệu ThinkPad và máy tính để bàn hiệu ThinkCenter, trong vòng năm năm. Lenovo cũng sẽ sử dụng 10.000 nhân viên của IBM, trong đó có 2.300 người ở Mỹ, chủ yếu gồm các nhà thiết kế, nhân viên tiếp thị và bán hàng, 7.700 người ở các nơi khác, chủ yếu là ở Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho rằng, việc mua lại còn giúp Lenovo tận dụng được thế mạnh của IBM trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển máy tính cá nhân cũng như các kênh bán hàng hiện hữu trên toàn cầu của tập đoàn này.
Giới đầu tư lo lắng
Sau khi hai bên ký kết thỏa thuận mua bán, giá cổ phiếu của Lenovo trên thị trường chứng khoán
Nhiều ngân hàng đầu tư đã đưa ra một số bình luận tiêu cực về vụ mua bán và triển vọng của Lenovo. Chẳng hạn, theo Citi Group, Lenovo đã mua lại IBM với giá quá cao. Citi Group cũng chỉ ra rằng, thực tế cho thấy hầu hết các vụ sáp nhập trước đây giữa các công ty sản xuất máy tính đều không thành công và trường hợp của Lenovo-IBM cũng không ngoại lệ.
Alan Hsieh, Chủ tịch chi nhánh ở Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan của IDC (Mỹ), một công ty nghiên cứu thị trường công nghệ thông tin, cho rằng Lenovo sẽ gặp nhiều thử thách trong tương lai. "Công ty mới sẽ gặp rủi ro rất lớn, bởi vì Lenovo chưa đạt được bước phát triển đáng kể nào trong quá trình vươn ra thị trường toàn cầu và còn quá ít kinh nghiệm trong các hoạt động quốc tế".
Ông Hsieh cho rằng Lenovo sẽ phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua những trở ngại trong giai đoạn chuyển đổi. Bởi vì, theo ông, đây là một quá trình phức tạp và công ty này phải giải quyết nhiều vấn đề về lao động, nghiên cứu, sản xuất và hợp nhất thương hiệu.
Một xu hướng tất yếu
Dẫu vậy, ở một góc độ khác, các nhà phân tích cho rằng, việc Lenovo mua lại IBM sẽ mở đường cho các thương hiệu của Trung Quốc vươn lên trên thị trường thế giới. Bởi lẽ, hiện nay nước này có rất nhiều nhà sản xuất vốn rất thành công trên thị trường trong nước như Lenovo và cũng đang mong muốn vượt khỏi biên giới Trung Quốc. Những công ty này sẽ gặp thuận lợi do học hỏi được kinh nghiệm của Lenovo.
Mặt khác, theo các nhà phân tích, lợi thế lớn nhất của các công ty Trung Quốc vốn đang muốn bành trướng ra thị trường thế giới là họ đang ở trên dòng chảy của quá trình phân công lại lao động quốc tế. Việc IBM di chuyển sang hướng dịch vụ và Lenovo phát triển thêm một bậc trong lĩnh vực sản xuất hàng loạt đã phản ánh những thay đổi hiện nay trên bản đồ kinh tế thế giới theo thuyết lợi thế so sánh, cơ sở của quá trình này.
Trong ý nghĩa đó, vụ mua bán Lenovo-IBM rõ ràng là một giao dịch có lợi cho các công ty Trung Quốc. Theo dự báo, trong tương lai sẽ còn có nhiều vụ mua bán tương tự nữa giữa các doanh nghiệp Trung Quốc với doanh nghiệp nước ngoài.
TBKTVN