CK Châu Âu năm 2010: Đà tăng trưởng vẫn còn tiếp diễn
London Stock Exchange, một trong những thị trường chứng khoán lớn của Châu Âu. |
Đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau khi trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930 làm gia tăng nguy cơ các Chính phủ và ngân hàng trung ương trên thế giới có thể rút lại chính sách kích cầu trị giá hàng nghìn tỷ USD trước thời hạn. Động thái này được xem là một yếu tố bất lợi cho các thị trường tài chính.
Tuy nhiên, đa số nhà phân tích đều cho rằng điều này chỉ xảy ra vào nửa sau năm 2010, khi đó, thị trường chứng khoán Châu Âu có thể “thong thả” trên con đường phục hồi của mình sau khi tăng tới 60% từ mức thấp kỷ lục đầu Tháng 3 lên mức cao 13 tháng trong tuần này.
Theo giới phân tích chỉ số FTSEurofirst 300 của các cổ phiếu hàng đầu Châu Âu đã giảm 37% so với mức đỉnh năm 2007 nên thị trường vẫn còn có thể tiến xa hơn nữa trong vài tháng tới. Đứng trên cơ sở định giá, thị trường vẫn khá là hấp dẫn.
Gerhard Schwarz - Trưởng phòng nghiên cứu chiến lược cổ phiếu toàn cầu của Ngân hàng Tín dụng UniCredit tại Munich (Đức) - nhận định: “Có thể chúng ta đang lo lắng rằng đà tăng trưởng của thị trường sắp kết thúc, nhưng hãy còn quá sớm để khẳng định điều này. Và khả năng rút lui của thị trường là rất giới hạn. ”
Ông cho biết thêm: “Các biến động cũng chưa có điều kiện tăng cao. Trên thực tế tâm lý thận trọng sẽ tiếp tục tạo ra nhiều bất ngờ tích cực cho thị trường, đơn cử như sự tăng trưởng cổ tức.”
Các nhà phân tích cho rằng, nếu xét về hệ số giá trên thu nhập (P/E), các cổ phiếu trong chỉ số Dow Jones STOXX 600 đang được giao dịch với mức giá cao hơn 13 lần so với lợi nhuận tương lai, xấp xỉ mức đỉnh 14 lần năm 2004 và mức trung bình 5 năm là 13.5 lần.
Được biết, Ngân hàng UniCredit đang đánh giá cao cổ phiếu các ngành bảo hiểm, công nghệ, du lịch và giải trí; nhưng lại không coi trọng cổ phiếu ngân hàng, thực phẩm, đồ uống và bán lẻ.
Theo giới phân tích, cổ phiếu ngành bảo hiểm vẫn còn rẻ, nhưng lại không tin vào khả năng tăng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng sau khi ngành này đã thăng hoa tới 168% so với mức thấp hồi Tháng 3. Hơn nữa, ngành này còn có thể đối mặt với áp lực tăng vốn trong thời gian tới.
Giám đốc điều hành Anko Beldsnijder của Công ty Quản lý Tài sản MainFirst cho biết: “Chúng tôi vẫn giữ quan điểm lạc quan và nhận thấy rằng nhà đầu tư còn đánh giá thấp cổ phiếu. Khi nhu cầu cải thiện, cổ phiếu sẽ tăng giá.”
Số liệu kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp đang cải thiện
Các nhà phân tích cho rằng, tâm lý lạc quan còn đến từ bức tranh kinh tế ngày càng tươi sáng hơn. Theo đó, tại nhiều quốc gia sản lượng công nghiệp đã hồi phục và GDP đạt tăng trưởng dương.
Theo khảo sát của Blue Chip Economic Indicators (BCEI) thì trong Tháng 11 các nhà dự đoán thị trường đã nâng triển vọng GDP năm 2010 của Mỹ từ 2.5% lên 2.7%. Được biết, đây là tháng thứ tư liên tiếp BCEI nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế lớn nhất thế giới này.
Các số liệu mới nhất cũng cho thấy sản lượng công nghiệp Tháng 9 của Anh khả quan hơn dự đoán, với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ Tháng 7/2002. Đây được xem là một bước tiến đáng kể so với mức sụt giảm trong Tháng 8.
“Nhiều doanh nghiệp đã thích ứng rất tốt trước nhu cầu suy yếu và biết cách tiết kiệm hơn. Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của họ nếu kinh tế trở lại phát triển mạnh.”, nhận xét của chiến lược gia Henk Potts tại Tập đoàn Barclays Wealth.
Ngoài ra, kết quả kinh doanh quý 3 cũng là một trong những động lực thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư. Theo giới phân tích, tương quan giữa số báo cáo tài chính tích cực và tiêu cực của các doanh nghiệp thành viên S&P 500 trong quý 3 sẽ đạt mức cao nhất trong vòng 15 năm qua.
Trong số 240 công ty thành viên Dow Jones STOXX 600 đã công bố kết quả kinh doanh thì có đến 57% vượt kỳ vọng, 1% khớp dự đoán và 42% thấp hơn ước tính. Nhìn chung, lợi nhuận của các doanh nghiệp này tăng 2.6% so với dự báo.
Các chính sách kích cầu sẽ được duy trì trong bao lâu?
Quý 3 vừa rồi cũng ghi nhận sự tăng trưởng trong doanh thu, đây là điểm khác biệt so với quý 2. Được biết, khi đó doanh nghiệp đạt được lợi nhuận chủ yếu nhờ vào động thái cắt giảm chi phí. Điều này làm gia tăng niềm tin rằng các công ty sẽ tăng trưởng cao trong quý tư tới.
“Thị trường vô cùng lạc quan về quý vừa rồi vì các doanh nghiệp không những tăng trưởng mà còn đạt được tăng trưởng doanh số cao. Tuy nhiên, chúng ta đều biết đằng sau các khoản lợi nhuận này là các biện pháp bất thường, và câu hỏi lúc này là điều gì sẽ xảy ra khi Chính phủ hoàn toàn rút lại các gói kích thích kinh tế.”, nhận định của nhà chiến lược Philippe Gijsels tại Ngân hàng BNP Paribas Fortis (Bỉ).
Các lĩnh vực như ngân hàng, ô tô và xây dựng nhà trên toàn thế giới đã nhận được hàng ngàn tỷ USD viện trợ của Chính phủ để trụ vững trong suốt cuộc khủng hoảng nhưng sớm muộn gì các số tiền kích thích này cũng bị thu hồi.
“Các ngân hàng trung ương chỉ thay đổi lập trường của mình một khi nhận thấy sự cải thiện thực sự của thị trường việc làm, nhưng điều này vẫn còn khá xa vời đặc biệt là tại Mỹ.”, chuyên gia kinh tế Luc Van Hecka tại Công ty Chứng khoán KBC nhận xét.
Phạm Thị Phước (Theo Reuters)