Tin tức
Đến ngày 18/06, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16.73 triệu tỷ đồng, tăng 7.14%

Đến ngày 18/06, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16.73 triệu tỷ đồng, tăng 7.14%

27/06/2025

Banner PHS

Đến ngày 18/06, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16.73 triệu tỷ đồng, tăng 7.14%

Tại tọa đàm "Phát huy vai trò của các ngân hàng thương mại trong thực hiện Nghị quyết 68" sáng ngày 27/06, ông Nguyễn Phi Lân khẳng định dòng vốn tín dụng đã lan tỏa đến mọi phân khúc của các doanh nghiệp, nền kinh tế.

Ông Nguyễn Phi Lân khẳng định dòng vốn tín dụng đã lan tỏa đến mọi phân khúc của các doanh nghiệp, nền kinh tế - Ảnh: VGP

Ông Nguyễn Phi Lân, Vụ trưởng Vụ Dự báo, thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính (NHNN) chia sẻ Nghị quyết 68 được Bộ Chính trị ban hành đã tạo ra dấu ấn quan trọng đối với cả nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn đổi mới hiện nay. Nghị quyết được cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp tư nhân hào hứng đón đợi. Đây là một trong những nghị quyết có sức hút cũng như tạo ra sức bật rất lớn đối với cả nền kinh tế, tạo ra động lực mới cho quá trình phát triển giai đoạn tiếp theo của nền kinh tế.

Nghị quyết 68 đã tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp tư nhân tiếp cận nguồn vốn, bản chất là đa dạng các nguồn vốn, không chỉ nguồn vốn của ngành ngân hàng mà còn các nguồn vốn khác.

Đến ngày 18/06/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16.73 triệu tỷ đồng, tăng 7.14% so với cuối năm 2024, tăng 18.71% so với cùng kỳ năm 2024 (cùng kỳ năm 2024, dư nợ tín dụng tăng 3.87% so với tháng 12/2023).

Thống kê cho thấy có đến 100 tổ chức tín dụng đã phát sinh tỷ lệ dư nợ đối với khu vực kinh tế tư nhân. Trong đó, có khoảng 209,000 doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có phát sinh dư nợ tại các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại. Điều này khẳng định dòng vốn tín dụng đã lan tỏa đến mọi phân khúc của các doanh nghiệp, nền kinh tế.

Bên cạnh đó, con số này không chỉ phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân mà còn phản ánh nỗ lực, cố gắng của ngành ngân hàng dành cho khu vực kinh tế tư nhân.

Trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã có những chính sách đồng hành thiết thực cùng các doanh nghiệp tư nhân như cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi suất, hỗ trợ phục hồi sau dịch bệnh, thiên tai, ví dụ như đại dịch COVID-19, bão Yagi… Các ngân hàng cũng không ngừng đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, số hóa quy trình cho vay cũng như giảm thiểu các chi phí, rút ngắn hồ sơ quy trình trong quá trình xử lý để cho vay đối với cả các doanh nghiệp tư nhân.

Khi ban hành, Nghị quyết 68 đã đặt ra rất nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với các doanh nghiệp tư nhân. Một trong những điểm có thể nhìn nhận rõ nét nhất khi đánh giá về Nghị quyết 68 đối với khu vực kinh tế tư nhân là Nghị quyết 68 đã khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân xây dựng hệ thống, hệ sinh thái tài chính minh bạch. Phải đảm bảo tính minh bạch, phải đảm bảo lành mạnh, nâng cao năng lực quản trị, nhất là năng lực quản trị tài chính đối với các ngân hàng, đối với cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó tạo cho các doanh nghiệp đầu tư bài bản hơn, phù hợp với phân khúc thị trường mà các doanh nghiệp tư nhân đang theo đuổi, cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân đa dạng hóa nguồn vốn để giảm thiểu rủi ro, tránh phụ thuộc quá nhiều vào dòng vốn của ngành ngân hàng.

Ngoài ra, doanh nghiệp tư nhân cũng có cơ hội để huy động các nguồn vốn khác từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Đồng thời có thể thực hiện các hình thức liên quan đến liên doanh, liên kết, cổ phần hóa, thực hiện thông qua các thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu, cổ phiếu. Trước bối cảnh bước sang kỷ nguyên mới, đòi hỏi các doanh nghiệp tư nhân phải nỗ lực thay đổi diện mạo. Đối với ngành ngân hàng, một trong những vấn đề đặt ra là phải đồng hành cùng khu vực kinh tế tư nhân. Đồng hành thứ nhất là ngành ngân hàng phải nâng cao quản trị rủi ro, đảm bảo dòng vốn tín dụng được phân bổ hiệu quả, tập trung vào những ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên, những ngành mà khu vực kinh tế tư nhân đã và đang cần.

Vấn đề thứ hai là yêu cầu ngành ngân hàng phải đổi mới công nghệ, ứng dụng số vào các dịch vụ tín dụng, phải để khách hàng trải nghiệm các dịch vụ, sản phẩm tốt hơn. Quy trình phải đơn giản hơn. Điều đó buộc ngành ngân hàng có sự đổi mới, thích ứng với sự thay đổi hiện nay.

Đồng hành nữa là ngành ngân hàng hỗ trợ tư vấn, giúp các doanh nghiệp tư nhân trong quá trình tiếp cận thị trường, tiếp cận nguồn vốn, thiết kế các sản phẩm tài chính chuyên biệt hơn, để các doanh nghiệp cảm thấy sản phẩm có ích, hữu hiệu và hứng thú với các sản phẩm đó.

Đồng thời, ngành ngân hàng phải thực hiện quy trình nghiêm ngặt hơn, đảm bảo đúng chuẩn mực quốc tế, theo đúng thông lệ quốc tế.

Ngay khi Nghị quyết 68 ra đời, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành kế hoạch triển khai hành động số 2415 và 2416 để triển khai Nghị quyết 68 cũng như cụ thể hóa Nghị quyết 138, 139 của Thủ tướng Chính phủ. Kế hoạch hành động này đã cụ thể hóa tất cả chương trình hành động, cụ thể tới tất cả đơn vị thuộc NHNN cũng như các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng để triển khai các giải pháp đồng hành cùng với các doanh nghiệp, để làm thế nào cụ thể hóa Nghị quyết 68 cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tới người dân, doanh nghiệp, các ngân hàng, làm thế nào tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận nguồn vốn, đồng hành cùng các doanh nghiệp tư nhân trong quá trình phát triển.

Hàn Đông

FILI - 13:00:00 27/06/2025

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng