Động thái của FED - Câu chuyện ngày Thứ Sáu trên Phố Wall
(Vietstock) – Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã khiến cả Phố Wall ngạc nhiên ngay sau giờ đóng cửa phiên giao dịch ngày Thứ Năm 18/02 bằng động thái nâng lãi suất chiết khấu đối với các khoản vay khẩn cấp thêm 0.25% lên 0.75%. Đây được xem là bước đi đầu tiên trong kế hoạch thu hồi các chương trình kích cầu nhằm đưa nền kinh tế vượt qua cơn bão khủng hoảng tài chính.
Trên thực tế, bản thân hành động này không có gì ngạc nhiên vì FED đã nhiều lần cảnh báo rằng việc tăng lãi suất chiết khấu sẽ là bước đi tiếp theo. Tuy nhiên, quyết định này được đưa ra sớm hơn dự đoán của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là lại công bố sau giờ giao dịch nên thị trường tương lai không thể tránh khỏi chao đảo.
Theo nhận định từ các chuyên gia kinh tế, động thái trên sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến lãi suất tiêu dùng và cũng không có nghĩa rằng FED sẽ nhanh chóng nâng lãi suất cơ bản, vốn là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp lên lãi suất tiêu dùng và thế chấp. Tuy nhiên, cùng lúc đó lãi suất trên thị trường trái phiếu liên tục tăng cao và nếu xu hướng này vẫn còn tiếp tục thì chắc chắn chi phí tín dụng thế chấp, tiêu dùng và thương mại sẽ bị tác động theo.
Tuyên bố của FED ngay lập tức khiến thị trường tương lai Mỹ giảm điểm mạnh, đẩy đồng USD lên cao và gây ra cuộc tháo chạy trên thị trường trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm. Các chuyên viên giao dịch dự đoán, thị trường cổ phiếu và trái phiếu sẽ tiếp tục giảm sâu trong phiên giao dịch ngày Thứ Sáu 19/02, trong khi đó đồng USD sẽ đứng ở mức ổn định. Đáng chú ý, Thứ Sáu cũng là ngày hết hạn của các loại hợp đồng quyền chọn cổ phiếu và chỉ số. Thường thì sự kiện này được xem là yếu tố bất lợi đối với thị trường chứng khoán.
Chuyên gia kinh tế Joseph LaVorgna từ Deutsche Bank nhận định: “Theo cách nhìn của tôi thì FED tin tưởng rằng các thị trường đã thực sự lành bệnh. Nếu nhìn vào bảng cân đối kế toán của FED, chúng ta có thể thấy rằng rất nhiều chương trình không còn đem lại hiệu quả nữa. Vì thế, FED muốn thông qua đó ám chỉ tình hình đang tốt đẹp hơn. Chênh lệch lãi suất đã trở lại và các thị trường đang hoạt động bình thường hơn.”
Còn theo nhận xét của ông Barry Knapp, trưởng bộ phận chiến lược quản lý danh mục đầu tư chứng khoán tại ngân hàng Barclays Capital thì động thái của FED diễn ra đúng như dự đoán và phản ứng ban đầu của thị trường tương lai có phần hơi quá đà.
Các thị trường đã từng vật lộn với dự định của FED về thời điểm thu hồi các chính sách tiền tệ lỏng lẻo kể từ khi Chủ tịch FED Ben Bernanke công bố chiến lược thoái lui hồi tuần trước. Do đó, biên bản cuộc họp công bố vào ngày Thứ Tư đã khuấy động thị trường trái phiếu khi các quan chức FED bất đồng về thời điểm bắt đầu tiến hành các động thái nhằm làm gọn bớt bảng cân đối kế toán.
LaVorgna cho rằng FED tiến hành động thái trên là nhằm tiến đến bình thường hóa hoạt động và nhận thấy mình không cần thiết phải là vật cản đối với các thị trường và thể chế tài chính như trước đây.
Ông nói: “Một phần mục đích của bước đi trên là nhằm thu hẹp sự chênh lệch giữa lãi suất chiết khấu và lãi suất cơ bản bởi nếu một ngân hàng đi vay FED vì nghĩ rằng tình hình khả quan hơn thì ngân hàng đó sẽ chịu mức lãi suất khá cao. Ông cho biết thêm, trước đây chênh lệch giữa lãi suất chiết khấu và lãi suất cơ bản là 1%, còn khoảng cách hiện giờ là 0.5%.
Một điều khá thú vị là FED lại đưa ra quyết định trên vào ngày mà đường cong lợi tức (giữa trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm và 10 năm) đã nới rộng đến mức lịch sử. Dưới quan điểm của các chuyên viên giao dịch, đường cong quá dốc là một dấu hiệu cảnh báo về nguồn cung trái phiếu kho bạc và khả năng xảy ra lạm phát. Đồng thời, theo số liệu được công bố trong ngày này chỉ số giá sản xuất (PPI) Tháng 1 cũng tăng mạnh hơn dự đoán với tốc độ 1.4%.
“Đường cong lãi suất nói lên rằng chính sách của FED tương đối dễ dãi và họ cần phải thay đổi. Thị trường không muốn đường cong quá dốc bởi kỳ vọng lạm phát đã bắt đầu gia tăng trở lại.”, Knapp nhận xét.
Ông đồng ý với nhiều nhà kinh tế rằng việc nâng lãi suất chiết khấu chỉ mang tính hình thức và dự đoán thị trường chứng khoán sẽ gặp nhiều biến động cho đến khi nhận thức được rằng FED đã sẵn sàng nâng lãi suất cơ bản mục tiêu. Trên thực tế, FED lại khẳng định lập trường của mình rằng động thái này không đồng nghĩa với việc tăng lãi suất cơ bản sớm và càng không phải là việc thắt chặt các điều kiện tín dụng đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Ông nhìn nhận: “Thị trường chứng khoán sẽ dao động mạnh trong nửa đầu năm 2010. Và đến lúc FED tăng lãi suất, thị trường sẽ xác định được xu hướng của mình. Còn hiện tại, khó mà dự đoán chính xác về diễn biến của thị trường trong bối cảnh Trung Quốc có ý định thu hồi các chính sách kích thích và FED cũng sắp rút lui khỏi các chương trình kích cầu.”
“Đến thời điểm FED có thể rút lại thanh khoản và nâng lãi suất thì chúng ta ở trong tình huống rất khó khăn. Tôi sẽ vô cùng kinh ngạc nếu thị trường phá vỡ các mức cao mới.”
Knapp tin tưởng rằng thị trường sẽ có phản ứng khá tốt trong hai lần nâng lãi suất đầu tiên như ở các chu kỳ trước. Trong khi đó, một bộ phận nhà đầu tư lo sợ rằng lãi suất cao sẽ tự động ảnh hưởng đến giá cổ phiếu vì nó có thể kiến các tài sản khác trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại xem môi trường lãi suất cao là một dấu hiệu chứng tỏ đà phục hồi kinh tế đang mạnh dần.
“Cơ hội luôn đi trước chúng ta và thị trường trái phiếu sẽ tiếp tục chứng kiến cảnh bán tháo. Mọi người sẽ tỏ ra lo lắng về việc FED tăng lãi suất và bán ra sau đợt phục hồi vừa qua. Được biết đóng cửa phiên giao dịch ngày Thứ Năm, lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm lên mức cao nhất từ trước đến nay là 3.817%.” Knapp cho biết.
Sau quyết định của FED, ông dự đoán rằng thị trường sẽ tiếp tục phục hồi bền vững hơn nữa. Còn trong thời điểm hiện nay, ông cho rằng tốt nhất là nên phòng thủ. Theo ông cổ phiếu ngành nào đắt nhất sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi dòng thanh khoản bị rút khỏi hệ thống, chẳng hạn như cổ phiếu tài chính, nguyên vật liệu và năng lượng.
Vào 8h30 sáng (giờ địa phương) ngày Thứ Sáu, nhà đầu tư sẽ dõi theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Tháng 1 với đa số các dự đoán trước đó đều cho rằng lạm phát đứng yên. Trước đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương bang New York, William Dudley, sẽ có bài phát biểu tại Puerto Rico vào lúc 8h15. Hiệp hội ngân hàng cho vay thế chấp (MBA) sẽ công bố kết quả cuộc khảo sát về các khoản nợ quá hạn vào lúc 10h sáng. Ngoài ra, thị trường cũng sẽ đón nhận một số báo cáo tài chính quý IV/2009 của các doanh nghiệp lớn như Nestle, Brookfield Asset Management, J.C. Penney và PG&E.
Phạm Thị Phước (Theo CNBC)