Đồng USD trải qua 6 tháng đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1973
Các chính sách thương mại của ông Trump và mức nợ gia tăng đã khiến đồng bạc xanh giảm hơn 10% trong nửa đầu năm 2025.
![]() Chỉ số Ice US Dollar lao dốc
|
USD đang có nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1973, khi các chính sách thương mại và kinh tế của ông Trump khiến giới đầu tư toàn cầu phải cân nhắc lại mức độ nắm giữ đồng tiền chủ chốt này.
Chỉ số USD, đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ 6 đồng tiền lớn khác bao gồm bảng Anh, euro và yên Nhật, đã giảm hơn 10% tính đến thời điểm này của năm 2025, đây là mức khởi đầu năm tồi tệ nhất kể từ khi hệ thống Bretton Woods chấm dứt gắn USD với vàng.
“USD đã trở thành ‘bia đỡ đạn’ cho các chính sách thất thường của ông Trump trong nhiệm kỳ hai”, ông Francesco Pesole, chiến lược gia ngoại hối tại ING, nhận định.
Ông cho biết, cuộc chiến thuế quan lúc nóng lúc lạnh của Tổng thống, nhu cầu vay mượn khổng lồ của Mỹ và những lo ngại về tính độc lập của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã làm suy yếu sức hấp dẫn của USD như một nơi trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư.
Đồng tiền này tiếp tục giảm 0.2% trong phiên giao dịch ngày 30/06, khi Thượng viện Mỹ chuẩn bị bỏ phiếu về các sửa đổi cho dự luật thuế “to lớn và tuyệt đẹp” của Trump.
Đạo luật quan trọng này dự kiến sẽ làm tăng thêm 3,200 tỷ USD vào núi nợ của Mỹ trong thập kỷ tới và làm dấy lên lo ngại về tính bền vững của việc vay nợ của Washington, dẫn đến làn sóng tháo chạy khỏi thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ.
Đà lao dốc mạnh của USD đang hướng tới mức giảm nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ mức mất giá 15% năm 1973, và là mức yếu nhất trong bất kỳ giai đoạn 6 tháng nào kể từ năm 2009.
Sự sụt giảm này đã đi ngược lại dự báo phổ biến hồi đầu năm rằng cuộc chiến thương mại của Trump sẽ gây tổn hại nhiều hơn cho các nền kinh tế ngoài Mỹ, đồng thời làm tăng lạm phát tại Mỹ và qua đó củng cố sức mạnh đồng bạc xanh so với các đối thủ.
Chỉ số Ice US Dollar
![]() |
Trái lại, đồng euro mà nhiều ngân hàng Phố Wall từng dự đoán sẽ rớt về ngang giá với USD trong năm nay đã tăng 13% lên trên 1.17 USD, khi nhà đầu tư tập trung vào các rủi ro tăng trưởng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong lúc nhu cầu đối với tài sản an toàn ở nơi khác, như trái phiếu Đức, tăng cao.
“Chúng ta đã chứng kiến một cú sốc về chính sách, về khung chính sách của Mỹ”, Andrew Balls, Giám đốc đầu tư thu nhập cố định toàn cầu tại tập đoàn trái phiếu Pimco, nói về tuyên bố áp thuế “có đi có lại” của ông Trump hồi tháng 4.
Theo ông Balls, không có mối đe dọa đáng kể nào đối với vị thế của USD là đồng tiền dự trữ mặc định của thế giới. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Điều đó không có nghĩa là USD không thể suy yếu đáng kể”, đồng thời chỉ ra xu hướng các nhà đầu tư toàn cầu tăng cường phòng ngừa rủi ro tỷ giá đối với tài sản định giá bằng USD, chính hoạt động này lại càng khiến đồng bạc xanh giảm giá.
Một yếu tố khác đẩy USD xuống thấp trong năm nay là kỳ vọng ngày càng tăng rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất mạnh tay hơn để hỗ trợ kinh tế Mỹ, điều mà ông Trump liên tục thúc giục, với ít nhất 5 lần giảm 0.25 điểm phần trăm được dự báo sẽ diễn ra trước cuối năm sau, theo các mức giá trên thị trường hợp đồng tương lai.
Kỳ vọng lãi suất giảm đã giúp chứng khoán Mỹ vượt qua lo ngại về chiến tranh thương mại và xung đột tại Trung Đông để lập các đỉnh cao mới. Tuy nhiên, USD yếu hơn khiến chỉ số S&P 500 vẫn tụt lại khá xa so với các thị trường châu Âu khi tính toán lợi suất bằng cùng một đồng tiền.
Các nhà đầu tư lớn, từ quỹ hưu trí đến các nhà quản lý dự trữ ngân hàng trung ương, đã bày tỏ mong muốn giảm mức độ tiếp xúc với USD và tài sản Mỹ, đồng thời đặt câu hỏi liệu đồng tiền này còn thực sự là nơi trú ẩn an toàn trước biến động thị trường hay không.
“Nhà đầu tư nước ngoài đang đòi hỏi mức phòng ngừa rủi ro tỷ giá lớn hơn đối với tài sản định giá bằng USD, và đây là một yếu tố nữa ngăn đồng bạc xanh tăng giá cùng với đà hồi phục của chứng khoán Mỹ”, chuyên gia Pesole của ING nhận định.
Giá vàng cũng đã lập đỉnh mới trong năm nay nhờ hoạt động mua vào liên tục của các ngân hàng trung ương và nhà đầu tư khác lo ngại về nguy cơ USD mất giá.
USD hiện đã rơi xuống mức thấp nhất so với các đồng tiền đối thủ trong hơn 3 năm qua. Với tốc độ giảm mạnh và việc đặt cược vào xu hướng USD yếu trở nên phổ biến, một số nhà phân tích dự báo đồng tiền này sẽ sớm ổn định trở lại.
“Giao dịch bán khống USD đã trở nên quá đông đúc và tôi cho rằng tốc độ giảm giá sẽ chậm lại”, ông Guy Miller, chiến lược gia trưởng thị trường tại tập đoàn bảo hiểm Zurich, nhận định.
Quốc An (Theo FT)