Tin tức
Fed đang thắt chặt định lượng, tại sao cung tiền của Mỹ vẫn tăng?

Fed đang thắt chặt định lượng, tại sao cung tiền của Mỹ vẫn tăng?

26/07/2025

Banner PHS

Fed đang thắt chặt định lượng, tại sao cung tiền của Mỹ vẫn tăng?

Thị trường tài chính Mỹ đang chứng kiến một xu hướng đáng chú ý: nguồn cung tiền đang gia tăng nhanh chóng, nhưng nguồn gốc của sự gia tăng này không phải là Cục Dự trữ Liên bang (Fed) mà là các ngân hàng thương mại.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent (trái) và Chủ tịch Fed Jerome Powell (phải)

Ngay sau mỗi cuộc họp thường kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), một Thông báo triển khai (Implementation note) sẽ được công bố, liệt kê chi tiết các hành động mà Fed sẽ làm để đảm bảo thực hiện chính sách tiền tệ đã được các lãnh đạo thông qua trong cuộc họp.

Ví dụ trong cuộc họp gần đây nhất vào tháng 6/2025, Thông báo triển khai của Fed có đoạn:

- Thực hiện các nghiệp vụ thị trường mở cần thiết để duy trì lãi suất quỹ liên bang trong khoảng 4.25 – 4.5%.

- Nếu giá trị trái phiếu Chính phủ Mỹ do Fed nắm giữ đáo hạn vượt quá 25 tỷ USD trong một tháng thì tái đầu tư số tiền vượt 25 tỷ USD.

- Nếu giá trị chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp (MBS) do Fed nắm giữ đáo hạn vượt quá 35 tỷ USD trong một tháng từ tái đầu tư số tiền vượt 35 tỷ USD.

Thông tin về lãi suất thường được nhà đầu tư quan tâm nhất và luôn xuất hiện trên các dòng tít báo toàn cầu. Nhưng hai nghiệp vụ còn lại liên quan tới chứng khoán do Fed nắm giữ cũng có tác động không nhỏ tới nền kinh tế và hệ thống tài chính.

Mỗi tháng, Fed để cho tổng cộng 60 tỷ USD trái phiếu và chứng khoán MBS đáo hạn, tức là 60 tỷ USD bị Fed hút ra khỏi nền kinh tế và biến mất khỏi lưu thông. Bảng cân đối kế toán của Fed cũng theo đó mà giảm đi 60 tỷ USD/tháng.

Liên tục từ đầu năm 2023 đến nay, Fed đều thực hiện chính sách thắt chặt định lượng này và giá trị tổng tài sản của Fed cũng giảm đi tương ứng.

Người viết tổng hợp

Thông thường, việc Fed hút tiền về thường kéo theo cung tiền M2 trong nền kinh tế giảm đi. Nhưng lần này lại khác.

So với cuối tháng 3/2023, tổng tài sản của Fed vào cuối tháng 6/2025 đã giảm 23.7%, nhưng cung tiền M2 trong khoảng thời gian này không những không giảm mà còn tăng 5.5%.

Người viết tổng hợp

Vậy ai mới là người đang "in tiền" thực sự? Câu trả lời là các ngân hàng thương mại. Mỗi đồng đô la, ngoại trừ những tờ tiền vật lý được tạo ra từ máy in, đều được sinh ra từ quá trình cho vay.

Khi một người gửi tiền vào ngân hàng, ngân hàng sẽ cho người khác vay số tiền đó, và khoản vay này lại trở thành một khoản tiền gửi trong tài khoản của người khác, rồi lại được cho vay tiếp. Quá trình này tạo ra nhu cầu USD lớn hơn trong tương lai, bởi vì các khoản vay đều có lãi suất cần được thanh toán. Đây là lý do tại sao cung tiền thường có xu hướng tăng theo thời gian.

Dù Fed có thể bơm tiền dự trữ vào các ngân hàng, nhưng chính các ngân hàng mới là nguồn gốc của việc "in tiền" thực tế thông qua hoạt động tín dụng.

Dữ liệu đang chỉ ra rằng dư nợ tín dụng tại tất cả ngân hàng thương mại đang đi lên, ngay cả khi bảng cân đối kế toán của Fed đi xuống. Cụ thể, tổng tín dụng của các ngân hàng thương mại ở Mỹ tại ngày 16/07/2025 đang ở đỉnh lịch sử 18.55 ngàn tỷ USD, tăng hơn 7% so với cuối tháng 3/2023.

Người viết tổng hợp

Bộ Tài chính muốn ‘cởi trói’ cho ngân hàng, tránh khủng hoảng nợ công

Sự gia tăng của tín dụng ngân hàng được dự báo sẽ còn tiếp tục với cường độ mạnh hơn. Liên tục từ tháng 4 đến nay, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã nhiều lần công khai thảo luận về việc nới lỏng các quy định đối với ngân hàng, dự kiến sẽ diễn ra ngay trong mùa hè này. Mục tiêu chính của động thái này là giải quyết "nhu cầu vay mượn khổng lồ" của chính phủ Mỹ trong bối cảnh các nhà đầu tư mua trái phiếu kho bạc Mỹ đang "biến mất".

Fed không còn mua thêm trái phiếu kho bạc Mỹ, nên Bộ Tài chính phải tìm cách nới lỏng quy định để các ngân hàng thương mại có tiền cho chính phủ vay, thế chỗ của Fed.

Quy định cụ thể đang được xem xét là tỷ lệ đòn bẩy bổ sung (supplementary leverage ratio - SLR). Đây là một biện pháp bảo vệ bổ sung yêu cầu các ngân hàng duy trì một mức vốn tối thiểu dựa trên tổng tài sản để chống chịu các khoản lỗ tiềm ẩn.

Các tổ chức đại diện ngành ngân hàng và các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã lập luận rằng yêu cầu này đã hạn chế hoạt động của ngân hàng, đặc biệt là việc mua và bán nợ chính phủ dưới hình thức trái phiếu kho bạc Mỹ. Hiện tại, quy định này yêu cầu các ngân hàng phải giữ cùng một lượng vốn đối với các khoản vay rủi ro và các tài sản an toàn như trái phiếu kho bạc Mỹ.

Bộ trưởng Bessent và những người ủng hộ Đảng Cộng hòa tin rằng việc nới lỏng SLR sẽ thúc đẩy thị trường trái phiếu kho bạc, cho phép các ngân hàng dễ dàng mua và bán nợ chính phủ hơn. Ông Bessent tuyên bố rằng việc nới lỏng quy định này có thể giảm lợi suất trái phiếu kho bạc từ 0.3 đến 0.6 điểm %, tức là giảm chi phí đi vay của chính phủ.

Một nỗ lực tương tự để nới lỏng tỷ lệ đòn bẩy bổ sung SLR vào năm 2018 trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump đã không thành hiện thực do những bất đồng giữa các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, các nhà quản lý được Tổng thống Trump bổ nhiệm lần này đang tiến gần đến việc hoàn thành một đề xuất nhằm nới lỏng các quy tắc về bộ đệm vốn của các ngân hàng lớn nhất quốc gia.

Các nhà quản lý đang tranh luận liệu có nên giảm yêu cầu về vốn cho các ngân hàng lớn bằng cách điều chỉnh lại công thức hoặc loại trừ trái phiếu kho bạc và các tài sản an toàn khác khỏi tính toán tỷ lệ dự phòng. Việc loại trừ trái phiếu kho bạc và dự trữ tại Fed khỏi tính toán đã được áp dụng tạm thời trong đại dịch Covid-19 vào năm 2020 nhằm giúp các ngân hàng dễ dàng mua nợ chính phủ hơn.

Hệ lụy tiềm tàng

Kế hoạch nới lỏng quản lý ngành ngân hàng cũng vấp phải chỉ trích. Phe cánh tả tiến bộ trong chính trường Mỹ cảnh báo rằng việc làm suy yếu mức vốn tối thiểu của các ngân hàng lớn sẽ làm tăng rủi ro tài chính. Những người chỉ trích kế hoạch này cho rằng ngành ngân hàng đang sử dụng tình hình hỗn loạn gần đây trên thị trường trái phiếu kho bạc như một cái cớ để đòi hỏi nới lỏng một quy định mà họ đã vận động hành lang chống lại từ lâu.

Bên cạnh đó, ciệc cung tiền gia tăng sẽ giống như một "con nước lớn nâng tất cả con thuyền lên”, tức là giá tài sản như cổ phiếu, vàng, Bitcoin và bất động sản sẽ tăng lên, nhưng đồng thời, giá cả hàng hóa và dịch vụ cũng sẽ tăng theo, dẫn đến lạm phát.

Một điều không may là tiền lương của người lao động thường là thứ cuối cùng tăng trong chu kỳ bơm tiền - lạm phát. Những người chỉ có một ít tiền tiết kiệm và làm công ăn lương sẽ không thấy tiền lương của mình tăng lên cho đến khi chi phí sinh hoạt đã tăng vọt, và thường thì mức tăng của lương không đủ để bù đắp cho lạm phát.

Đức Quyền

fili - 19:57:41 26/07/2025

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng