Tin tức
Hàng không Việt Nam: "Không hội nhập, không thể phát triển"

Hàng không Việt Nam: "Không hội nhập, không thể phát triển"

13/01/2006

Banner PHS

Hàng không Việt Nam: "Không hội nhập, không thể phát triển"

Ngày 15/1/1956, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định thành lập Cục Hàng không dân dụng Việt Nam. Sau 50 năm, ngành hàng không dân dụng Việt Nam đã trưởng thành và có những đóng góp to lớn trong tiến trình hội nhập, bảo vệ và phát triển đất nước...

Ngày 15/1/1956, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định thành lập Cục Hàng không dân dụng Việt Nam. Sau 50 năm, ngành hàng không dân dụng Việt Nam đã trưởng thành và có những đóng góp to lớn trong tiến trình hội nhập, bảo vệ và phát triển đất nước.

 

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và ông Phạm Vũ Hiến, Phó cục trưởng Cục hàng không dân dụng Việt Nam xoay quanh vấn đề lớn nhất đối ngành hàng không hiện nay, đó là hai chữ "hội nhập".

 

Trong vấn đề đầu tư đội máy bay, nâng cấp cơ sở hạ tầng, ngành hàng không đã làm được những gì trong 50 năm qua, thưa ông?

 

Tính đến tháng 1/2005, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, Pacific Airlines đã mua, thuê 42 máy bay hiện đại (trong đó 30 máy bay B-767, B-777 và A- 320, A-321).

Điều nổi bật nhất là trong số 42 đầu máy bay, đã có gần 40% (17/42) đầu máy bay là sở hữu của hàng không Việt Nam. Trong tháng 10, tháng 11 năm 2005, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã nhận thêm 2 chiếc B-777 và đang triển khai dự án mua 4 chiếc B-787 và 10 chiếc A-321.

 

Về cơ sở hạ tầng, hiện nay hàng không dân dụng Việt Nam đang quản lý và khai thác 22 cảng hàng không nội địa, 3 cảng hàng không quốc tế.

 

Sản lượng hành khách, hàng hóa, bưu kiện thông qua các cảng hàng không trong nước, đặc biệt các cảng hàng không quốc tế có mức tăng trưởng rất cao. Nếu như năm 1990 mới chỉ có 1.149.225 lượt hành khách thông qua các cảng hàng không thì năm 2005 dự kiến đã có 12.967.700 lượt hành khách thông qua các cảng hàng không, tăng hơn 11 lần so với năm 1990.

 

Đặc biệt từ sau năm 1990, ngành hàng không đã đầu tư nâng cấp toàn diện 3 cảng hàng không quốc tế là Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và 22 cảng hàng không địa phương trong cả nước với tổng số tiền đầu tư 1.570 tỷ đồng; đồng thời thực hiện quy hoạch tổng thể mạng cảng hàng không trong toàn quốc.

 

Ông nhìn nhận như thế nào về việc hội nhập, mở cửa bầu trời? Hiện nay ngành hàng không Việt Nam đang đứng thứ hạng nào trong khu vực, thưa ông?

 

Không hội nhập thì không thể phát triển, đặc biệt đối với ngành hàng không là một ngành cần phải đi tiên phong.

 

Như tôi đã nói, đến nay Việt Nam đã ký hiệp định hàng không với 57 nước trên thế giới. Chúng ta đã đi rất đúng chủ trương hội nhập. Lúc đầu chúng ta đóng cửa nhưng hiện nay chúng ta đã mở cửa theo nhiều cấp độ với từng nước, tiến tới mở cửa bầu trời.

 

Trong 2 năm qua chúng ta làm Chủ tịch vận tải hàng không ASEAN. Và vừa rồi Hội nghị thượng đỉnh ASEAN đã thông qua những vấn đề sau: sẽ thống nhất lộ trình tự do hóa vận tải hàng không vào năm 2010, từ 2010- 2015 xây dựng thị trường hàng không thống nhất. Hiện nay các nước đang bàn đến việc khái niệm thị trường hàng không thống nhất của ASEAN như thế nào.

 

Có thể đánh giá lại trong 50 năm qua, ngành hàng không đã có những bước phát triển rất cơ bản, đóng góp to lớn vào việc phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng. Tuy nhiên ngành hàng không của chúng ta vẫn còn ở trong giai đoạn đầu phát triển, hiện tại ngành hàng không chúng ta mới đứng thứ 6 trong 10 nước ASEAN.

 

Để đẩy mạnh phát triển hơn nữa, ông có thể cho biết định hướng quy hoạch mạng lưới sân bay và việc đầu tư hạ tầng cơ bản trong những năm tới như thế nào?

 

Thực ra vai trò vị trí của ngành hàng không được thể hiện như một công cụ để hội nhập, phát triển nền kinh tế. Do vậy định hướng của chúng tôi đề ra là đẩy mạnh tăng trưởng tối đa vận tải hàng không để phục vụ cho nền kinh tế và hội nhập, tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở.

 

Tới đây, Sân bay Nội Bài sẽ được đầu tư nhà ga T2 để nâng cao năng lực vận tải. Còn tại khu vực miền Trung sẽ xây dựng cảng hàng không Chu Lai thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, đạt khoảng 4,5 triệu tấn/năm; ở phía Nam, sân bay Tân Sơn Nhất đang đầu tư mở rộng sẽ được đưa vào hoạt động cuối năm 2006 để nâng cao năng lực vận tải.

 

Đồng thời để phát triển hơn nữa, Chính phủ cũng đã quyết định đầu tư xây dựng sân bay Long Thành (Đồng Nai) - sẽ là sân bay quốc tế lớn nhất khu vực với năng lực thông quan 15 triệu khách/năm. Một loạt các sân bay địa phương khác cũng sẽ được đầu tư mở rộng để phục vụ phát triển kinh tế.

 

Theo dự kiến, vào giữa năm nay, Luật Hàng không dân dụng sửa đổi sẽ được thông qua, theo ông, việc sửa đổi luật này có ý nghĩa như thế nào đối với ngành?

 

Ngành hàng không càng phát triển thì đòi hỏi càng phải có một hành lang pháp lý hoàn chỉnh để phát triển. Bởi vậy việc sửa đổi Luật Hàng không có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình hội nhập. Điều này có nghĩa là sẽ hướng tới mục tiêu đồng bộ hóa với các quy định chung của thế giới, vì mình không thể "chơi" một sân với cách chơi riêng của mình.

 

Đây cũng chính là một yếu tố căn bản để ngành hàng không tham gia vào việc hội nhập được dễ dàng hơn, đồng bộ hơn. Hiện nay Luật Hàng không đang trong quá trình hoàn thiện để đến tháng 5 sẽ được Quốc hội thông qua.

 

Vừa qua dư luận đã nói tới rất nhiều về vấn đề hàng không giá rẻ, ở góc độ quản lý ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

 

Tôi cho rằng thực chất không phải là hàng không giá rẻ, bởi vì chúng ta vẫn thường nói "tiền nào của ấy". Bao giờ các nhà khai thác cũng phải tính toán rất kỹ: khi bỏ ra vốn đầu tư thì thu về ít nhất cũng phải bằng lãi suất ngân hàng cho vay, nếu không thì không có lãi.

 

Do vậy, bảo rằng giá rẻ thì không phải. Đích thân tôi đã đi chuyến bay gọi là hàng không giá rẻ rồi, cụ thể là của hãng Tiger Airway, thực chất đây là một loại sản phẩm của nhà cung cấp. Hay nói cách khác, có nhu cầu nào thì có sản phẩm ấy, dịch vụ ấy chứ không thể nói là rẻ được. Có thể mua được giá vé rẻ thật nhưng số lượng vé rẻ đó chỉ rất ít, khó có thể mua được.

 

Mặt khác, các dịch vụ của nó cũng rất thấp, ví dụ hành khách không được xuống máy bay bằng cầu thang có mái che mà chỉ có cầu thang sắt; hay khi muốn đọc báo, ăn uống thứ gì đó trên máy bay thì phải trả tiền với mức phí dịch vụ khá cao...

 

25 đường bay nội địa, 39 đường bay quốc tế 

"Khi mới thành lập, ngành hàng không dân dụng Việt Nam chỉ có một số cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ là sân bay Gia Lâm, Cát Bi, vài chiếc máy bay cánh quạt, chủ yếu để phục vụ cho hoạt động của lãnh đạo Nhà nước. Nhưng ngay sau đó, đã có sự chuyển biến tích cực với việc Hiệp định vận tải hàng không đầu tiên đã được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc vào ngày 5/4/1956.

Cho tới nay, sau gần 50 năm, chúng ta đã ký được 57 hiệp định vận chuyển hàng không với các nước và vùng lãnh thổ, chuẩn bị ký hiệp định vận tải hàng không hoặc sửa đổi hiệp định với một số nước khác, ngày càng thể hiện vai trò tích cực trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Hiện tại, ngành hàng không đã mở được 25 đường bay nội địa, 39 đường bay quốc tế tới 24 thành phố, thủ đô, vùng lãnh thổ trên thế giới và đã có 3 hãng hàng không trong nước, 26 hãng hàng không nước ngoài có các chuyến bay thường lệ tới Việt Nam. Cục Hàng không dân dụng Việt Nam đã xây dựng kế hoạch 5 năm, quy hoạch phát triển ngành giai đoạn đến 2015 định hướng phát triển đến 2025.

Trên góc độ quản lý Nhà nước, Cục đã xây dựng dự án Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và được Quốc hội thông qua từ tháng 12/1991. Đến năm 1995, Cục đã xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật và đã được Quốc hội thông qua tháng 4/1995. Năm 2005, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XI đưa ra xem xét dự án Luật hàng không dân dụng sửa đổi, dự kiến kỳ họp thứ 9 sẽ thông qua."

 

TBKTVN

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng