Tin tức
Lãi suất tiền gửi của các ngân hàng tương đối ổn định, lãi suất cho vay tiếp tục giảm

Lãi suất tiền gửi của các ngân hàng tương đối ổn định, lãi suất cho vay tiếp tục giảm

22/07/2025

Banner PHS

Lãi suất tiền gửi của các ngân hàng tương đối ổn định, lãi suất cho vay tiếp tục giảm

Đầu năm đến nay, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại tương đối ổn định, một số ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi.

Từ đầu tháng 7 đến nay, một số ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi gồm Bac A Bank (BAB) giảm 0.1% tất cả kỳ hạn và loại hình tiền gửi; VIB giảm 0.1%/năm kỳ hạn 36 tháng tiền gửi tại quầy từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng; ngân hàng Bảo Việt (BaoVietBank) điều chỉnh giảm 0.15-0.2%/năm ở các kỳ hạn 6-13 tháng…

Trước đó, cũng có một số ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi niêm yết như Lộc Phát (LPBank) giảm 0.2%/năm kỳ hạn 18-60 tháng cho hình thức gửi trực tuyến, NCB (NVB) giảm 0.1%/năm tùy kỳ hạn…

Lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm từ đầu năm đến nay. Lãi suất cho vay bình quân mới ở mức 6.23%/năm, giảm 0.7%/năm so với cuối năm 2024, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân phát triển sản xuất kinh doanh.

Dự báo lãi suất huy động và cho vay ổn định đến cuối năm

Theo kết quả chính của cuộc điều tra "Xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý 3/2025" do Vụ Dự báo, Thống kê ổn định tiền tệ, tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay VND tiếp tục xu hướng giảm nhẹ trong quý 2/2025, đặc biệt là lãi suất cho vay, các TCTD dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VND cuối năm nay về cơ bản không thay đổi so với cuối năm 2024.

Kết quả điều tra cho thấy các TCTD nhận định nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng (gồm nhu cầu gửi tiền, dịch vụ thanh toán, thẻ và vay vốn) của khách hàng tiếp tục “cải thiện” trong quý 2/2025, với mức cải thiện cao hơn quý trước nhưng thấp hơn kỳ vọng tại kỳ điều tra trước. Trong đó, nhu cầu vay vốn và sử dụng dịch vụ thanh toán, thẻ được nhận định “cải thiện” ở mức cao hơn quý trước và cao hơn nhu cầu gửi tiền cùng kỳ.

Trong quý 3/2025 và cả năm 2025, các TCTD kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng sẽ tiếp tục “cải thiện” so với quý 2/2025 và năm trước, trong đó nhu cầu vay vốn tiếp tục được đa số TCTD (62.6% TCTD lựa chọn) kỳ vọng “tăng” nhiều hơn nhu cầu dịch vụ thanh toán và gửi tiền (45.7-57.3% TCTD lựa chọn).

Trong bối cảnh đó, các TCTD tiếp tục điều chỉnh giảm giá bình quân các sản phẩm dịch vụ, đặc biệt điều chỉnh giảm lãi suất biên nhiều hơn so với phí dịch vụ đúng như dự kiến. Xu hướng giảm nhẹ này dự kiến tiếp tục trong quý 3/2025 và đến cuối năm 2025, với động lực chính vẫn từ việc giảm lãi suất biên, trái với dự kiến tăng nhẹ vào nửa cuối năm 2025 ghi nhận tại kỳ điều tra trước.

Theo ước tính của các TCTD, mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay VND tiếp tục xu hướng giảm nhẹ trong quý 2/2025, đặc biệt là lãi suất cho vay. Với diễn biến trong 6 tháng đầu năm, các TCTD dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VND cuối năm nay về cơ bản không thay đổi so với cuối năm 2024.

Dẫu vậy, các TCTD kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 4% (VND: +4.4%; ngoại tệ: +2.5%) và dư nợ tín dụng tăng bình quân 4.7% (VND: +4.7%; ngoại tệ: +4.8%) trong quý 3/2025.

Tại cuộc điều tra kỳ này, các TCTD đã điều chỉnh tăng nhẹ kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm 2025 lên mức 16.8% (cao hơn tốc độ tăng trưởng thực tế 2024), đặc biệt tiếp tục điều chỉnh tăng kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng huy động vốn so với các kỳ điều tra trước lên mức 13.9%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng thực tế 2024 và nếu đạt được sẽ là tốc độ tăng trưởng huy động vốn theo năm cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Về thanh khoản, các TCTD cho biết thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý 2/2025 tiếp tục duy trì trạng thái “tốt”, tuy nhiên, mức cải thiện “giảm nhẹ” so với quý trước và so với kỳ vọng. Các TCTD dự báo tình hình thanh khoản tiếp tục cải thiện trong quý 3 và cả năm 2025 so với năm 2024, trong đó kỳ vọng về mức độ cải thiện trong năm 2025 cao hơn so với kỳ điều tra trước nhưng vẫn thấp hơn so với mức độ cải thiện đánh giá cho năm 2024.

Trong khi đó, mặt bằng rủi ro (MBRR) tổng thể của các nhóm khách hàng trong quý 2 được các TCTD nhận định tiếp tục tăng nhẹ so với quý trước, với mức tăng cao hơn kỳ vọng ở kỳ điều tra trước và dự báo tiếp tục tăng nhẹ trong quý 3. Ở thời điểm hiện tại, 21.8% TCTD (giảm 4.5 điểm % so với kỳ trước) nhận định rủi ro tổng thể của khách hàng ở mức “cao” (0.9%) và “khá cao” (20.9%). Theo kết quả điều tra, các TCTD nhận định MBRR tổng thể của khách hàng tăng nhẹ trong 2 quý đầu năm 2025 và dự báo tiếp tục tăng nhẹ trong quý 3/2025, tuy nhiên, các TCTD cũng kỳ vọng đến cuối năm 2025, MBRR có thể “giảm nhẹ” so với cuối năm 2024. Điều này cho thấy khả năng các TCTD đang kỳ vọng MBRR có sự cải thiện đáng kể trong quý cuối năm. Dự báo cho năm 2026, các TCTD kỳ vọng MBRR tiếp tục cải thiện so với năm 2025.

Về nợ xấu, đúng như kỳ vọng ghi nhận ở kỳ điều tra trước, các TCTD nhận định tỷ lệ nợ xấu tiếp tục chiều hướng giảm nhẹ trong quý 2 và kỳ vọng giảm mạnh hơn trong quý 3/2025, trái ngược với nhận định “tăng” của cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ TCTD nhận định nợ xấu “giảm” trong quý 2 (20.9%) thấp hơn kỳ vọng tại cuộc điều tra trước (23.2%). Tại kỳ điều tra này, các TCTD tiếp tục điều chỉnh giảm dự báo về tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng bình quân toàn hệ thống tính đến cuối năm 2025 so với kết quả ghi nhận tại kỳ điều tra.

Tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế (LNTT) của hệ thống ngân hàng trong quý 2 có sự cải thiện so với quý 1/2025. Các TCTD dự báo xu hướng cải thiện tiếp tục diễn ra trong các quý còn lại năm 2025. Bên cạnh đó, tỷ lệ TCTD nhận định tình hình kinh doanh suy giảm so với quý trước đã giảm từ 14.8% trong quý 1/2025 xuống còn 11.2% trong quý 2/2025.

Từ 70.2-76.3% TCTD đánh giá và dự kiến các nhân tố nội tại tiếp tục cải thiện hơn trong quý 2 và cả năm 2025, trong đó nhân tố “chính sách lãi suất, tín dụng, tỷ giá của đơn vị” tiếp tục được đa số TCTD đánh giá là nhân tố nội tại quan trọng nhất ảnh hưởng tích cực tới tình hình kinh doanh của đơn vị. Chỉ có 3.5% TCTD lo ngại tổng thể các nhân tố nội tại làm “suy giảm” tình hình kinh doanh của đơn vị trong năm 2025, chủ yếu do “nguồn lực của đơn vị”, “năng lực tài chính của đơn vị”, “trang thiết bị, công nghệ” và “khả năng sáng tạo và cải tiến sản phẩm của đơn vị”.

Khoảng 65.8-72.8% TCTD đánh giá tổng thể các nhân tố khách quan có tác động tích cực giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của đơn vị mình trong quý 2 và tổng thể năm 2025 (cao hơn tỷ lệ 71.7% ghi nhận tại cuộc điều tra trước), trong đó “cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” tiếp tục là nhân tố được các TCTD đánh giá là quan trọng nhất ảnh hưởng tích cực đến tình hình kinh doanh của TCTD trong quý 2, tiếp theo là các nhân tố “điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng”.

Tuy nhiên, cho năm 2025, các TCTD dự báo “chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của NHNN” mới là nhân tố khách quan quan trọng nhất ảnh hưởng tích cực đến tình hình kinh doanh của TCTD, tiếp theo là “điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng”. Bên cạnh đó, vẫn có 6.03-12.93% TCTD lo ngại các nhân tố khách quan ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh doanh của TCTD trong quý 2 và cả năm 2025. Nhân tố “sự cạnh tranh từ các TCTD khác” tiếp tục được nhiều TCTD lựa chọn nhất (25-23.28%) tác động tiêu cực tới tình hình kinh doanh quý 2 và dự kiến cho năm 2025.

Về tình hình lao động việc làm, kết quả điều tra cho thấy quý 2 có “cải thiện” so với quý trước, nhưng mức độ “cải thiện” thấp hơn quý 1 và kỳ vọng ghi nhận tại kỳ điều tra trước. Trong quý 2, 37.39% TCTD cho biết đã tuyển dụng thêm lao động và 27.83% TCTD cho biết đã cắt giảm lao động. Tại cuối quý 2, 73.04% TCTD nhận định số lượng lao động hiện có tại đơn vị đáp ứng đủ nhu cầu công việc; 25.22% TCTD nhận định đang thiếu lao động và 1.74% TCTD cho biết đang thừa lao động. Dự kiến trong quý 3 cũng như cả năm 2025, tình hình lao động việc làm được kỳ vọng tiếp tục khả quan với 38-50% TCTD dự kiến tuyển dụng thêm lao động và 13-19% TCTD dự kiến cắt giảm lao động.

Hàn Đông

FILI - 13:48:31 22/07/2025

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng