“Mỗi ngày làm việc là một ngày kiến tạo” - từ hôm nay 01/07/2025
1 ngày trước khi dự lễ công bố quyết định vận hành chính thức bộ máy chính quyền hai cấp trên 34 tỉnh thành phố của cả nước tại TP.HCM, Tổng Bí thư Tô Lâm đã về khảo sát phường Xuân Hòa. Tại đây, sau khi ghi nhận "Đến thời điểm này, có thể nói hàng lối đã rất ngay ngắn, đội ngũ rất chỉnh tề, có điều kiện để vận hành chính thức", người đứng đầu Đảng đã căn dặn thêm: Cần xác định bản chất cấp phường mới rất khác với tư duy cấp phường trước đây. Cấp phường trước đây có thể nặng về hành chính, quản lý nhưng phường bây giờ phải kiến tạo và phục vụ nhân dân.
"Bất kể việc gì người dân cần, có nhu cầu, đang gặp khó khăn thì tập trung giải quyết ngay. Nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo kịp thời cho TP.HCM, với Trung ương. Không được cho rằng cái này là trách nhiệm của bộ ngành này, cái này là trách nhiệm của cấp thành phố” - trích phát biểu của Tổng Bí thư vào ngày 29/06 tại phường Xuân Hòa.
Động thái lãnh đạo cao nhất của Đảng về khảo sát cơ sở là một chỉ dấu cho thấy cuộc cách mạng bộ máy chính quyền được tiến hành từ cấp cơ sở, thành công hay không chính là sự chuyển động có hiệu quả từ cấp độ chính quyền này. Bởi mục tiêu cuối cùng của hoạt động chính quyền là phục vụ người dân, kiến tạo các chính sách, cơ chế để vận hành bộ máy phục vụ.
Ở một chiều kích khác, cũng có thể hiểu tính cơ sở còn thể hiện ở những vấn đề cốt lõi nhất trong cơ chế, trong bộ máy tổ chức, trong hệ thống chính trị mà cuộc cải cách lần này đã chạm đến. Giảm từ chính quyền 3 cấp xuống 2 cấp, cắt hoặc bỏ khâu trung gian, giữ nguyên hoặc sáp nhập 2 -3 địa phương vào chung một “hệ sinh thái” liên vùng để cộng đồng sức mạnh, phát huy ưu thế, địa bàn, khu vực trọng yếu dẫn dắt, kéo theo những “vùng trũng” để cùng phát triển. Từ đó, giảm tính phụ thuộc vào trung ương, giảm ngân sách phân bổ, ưu tiên nguồn lực để đầu tư, phát triển các lĩnh vực thiết yếu, an sinh, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Với TP.HCM mới, sự hợp nhất của 3 địa phương mạnh lại cho thấy một tầm nhìn lớn hơn thế. Khi chiếc áo cũ đã chật so với nhu cầu phát triển tự thân của thành phố qua 40 năm đổi mới, đặt trong bối cảnh thay đổi đến chóng mặt của công nghệ thì cần tính toán để sớm tái cấu trúc kinh tế mũi nhọn - trọng lực của TP.HCM (cũ). Trong đó, tận dụng nội lực - mãi lực như một “của để dành” của thành phố này đồng bộ với chính sách mở rộng vùng “ngoại biên” để gia tăng sức phát triển. Bình Dương là thủ phủ của công nghiệp - chế xuất - lĩnh vực vốn khởi đầu từ TP.HCM hơn 30 năm trước. Giờ thì đã đến lúc, cả TP.HCM (cũ) và Bình Dương đều cần phải tính đến khả năng giảm các ngành nghề thâm dụng lao động, các khu công nghiệp, công nghệ cao cần phải định vị hàm lượng công nghệ cao hơn, giá trị thặng dư từ đó cũng tăng tương ứng.
Bà Rịa - Vũng Tàu - Côn Đảo là một cụm đặc khu, chỉ nhiêu đó đã là một ưu thế. Trong thời cơ phát triển kinh tế biển, đô thị biển; và nhất là giao thông đường thủy, cảng sông tiếp nối cảng biển thì từ thủ phủ của logistics, thị trường phân phối và tiêu dùng lớn nhất nước kết nối với cảng biển, năng lượng (dầu khí) và khu công nghiệp thì chắc chắn, tương lai thuộc về sự phát triển - hội nhập sâu rộng với thành phố mới.
Khi không gian được mở rộng, khoảng cách địa lý kéo theo những lo ngại, kể cả nghi ngại về sự đi lại, di chuyển bất tiện-lợi thì việc “lên đời” của chính quyền số là một sự đáp ứng kịp thời, tất yếu. Nhưng, như lưu ý của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyển đổi số trong bộ máy chính quyền: “Đấy mới chỉ hình thức để quản lý còn quản trị xã hội phải đi vào cuộc sống, đi vào sản xuất, đi vào kinh doanh".
Cũng như với sự ra đời của Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân - vận dụng trong giai đoạn này chính là sửa lại cơ chế, sắp xếp lại cấu trúc, phân bổ các nguồn lực (vốn, tín dụng, thuế…) cho thật sự công bằng giữa các thành phần kinh tế. Nếu đã xác định “là động lực phát triển quan trọng nhất” thì nó cần được trao sự tự chủ, hệ sinh thái pháp lý bền vững, thông thoáng nhằm tích lũy cả lòng tin, nội lực để vững mạnh, căn cơ đi tới.
Là “linh hồn” của Đông Nam Bộ, nếu đặt thêm Nghị quyết 24 của khu vực này nữa thì TP.HCM mới cộng với Đồng Nai mới sẽ thật sự là động lực tăng trưởng cho cả miền Nam.
Hợp nhất là để thống nhất các ưu thế đồng thời khai thác bài bản hơn, có sự kết nối để vừa bổ trợ, vừa tận dụng lẫn nhau các sắc thái bản địa - điều này thể hiện trong tam giác chiến lược du lịch TP.HCM - Bình Dương - Bà Rịa -Vũng Tàu cả trong tour ngắn ngày, nghỉ dưỡng cuối tuần và MICE, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên cho đến những giá trị di sản, con người.
Một lần nữa, xin nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư trong sáng 30/06 tại lễ công bố quyết định vận hành chính thức chính quyền 2 cấp và ra mắt TP.HCM mới: “Việc hợp nhất không gian ba địa phương không phải là sự cộng gộp đơn thuần, mà là sự kết tinh trí tuệ và ý chí phát triển chung, để hình thành một siêu đô thị, trung tâm tài chính, sản xuất, logistics và đổi mới sáng tạo mang tầm khu vực và thế giới”.
Mọi thứ đã bắt đầu chuyển động, từ hôm nay 01/07/2025.
Quốc Học