Nghị quyết 68 được kỳ vọng tháo gỡ điểm nghẽn trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp
Tại tọa đàm "Phát huy vai trò của các ngân hàng thương mại trong thực hiện Nghị quyết 68", ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM chia sẻ còn nhiều hạn chế, vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng cần tháo gỡ, nhất là những điểm nghẽn về pháp lý hiện nay của một số dự án và Nghị quyết 68 được kỳ vọng giải được bài toán này.
![]() Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - Ảnh: VGP
|
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM chia sẻ Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã có nhiều nghị quyết để phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị là một trong "bộ tứ trụ cột" để thúc đẩy kinh tế - xã hội, trong đó có cả việc giải quyết vướng mắc lớn của thị trường bất động sản là vướng mắc pháp lý (chiếm đến 70%).
Nghị quyết 68 xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Sau đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết 168 và Chính phủ ban hành Nghị quyết 138 để triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị. Doanh nghiệp rất vui mừng vì chỉ thời gian ngắn đã có nhiều nghị quyết để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có lực lượng doanh nghiệp bất động sản.
Các tổ chức tín dụng hiện đóng vai trò "bà đỡ" của nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản. Bởi vì sau khi doanh nghiệp tạo lập được quỹ đất, lúc đó rất cần nguồn vốn để đầu tư xây dựng triển khai dự án. Có được nguồn vốn này, doanh nghiệp đã bỏ tiền ra rất lớn để mua đất, do đó nguồn vốn tín dụng là nguồn vốn mồi đầu tiên doanh nghiệp tiếp cận vì lúc đó chưa huy động được vốn của khách hàng, chưa xây dựng xong hạ tầng thì chưa đủ điều kiện huy động vốn…
Tuy nhiên, trong thực tế, thời gian vừa qua có những tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản có uy tín, năng lượng thật sự đã sử dụng nguồn vốn đó đúng mục đích, an toàn, giúp cho doanh nghiệp bất động sản hoàn thành các dự án và hoàn trả vốn vay, lãi vay cho ngân hàng. Nhưng bên cạnh đó, cũng có doanh nghiệp yếu về năng lực, thậm chí đầu tư quá mức, dàn trải nhiều dự án, không sử dụng vốn đúng mục đích… Điều đó cũng gây rủi ro cho các tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng đóng vai trò "bà đỡ" đồng thời ngược lại, các doanh nghiệp cũng phải đóng vai trò bảo đảm an toàn cho cả hệ thống.
"Các tổ chức tín dụng đóng vai trò cực kỳ quan trọng bởi ở Việt Nam hiện nay, các quỹ đầu tư tài chính còn chậm phát triển, quỹ đầu tư tài chính của ngân hàng giờ chỉ có 1 quỹ của Techcombank, chúng ta chưa có quỹ tài chính để đầu tư, thị trường vốn của chúng ta rất thiếu. Chúng tôi kỳ vọng có thêm các quỹ đầu tư để gánh vác bớt với các tổ chức tín dụng", ông Châu chia sẻ.
Bên cạnh đó, khai thác vốn trên thị trường chứng khoán cũng bị hạn chế, hiện chỉ có 1,609 doanh nghiệp đủ điều kiện niêm yết trên thị trường chứng khoán, trong đó chỉ 63 doanh nghiệp bất động sản niêm yết. Như vậy, thị trường chứng khoán chưa phải là 1 kênh vốn trung, dài hạn cho thị trường bất động sản. Quỹ phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng có những trục trặc, vì vậy các tổ chức tín dụng là kênh dẫn vốn cực kỳ quan trọng. Các ngân hàng nếu kiểm soát nguồn vốn cho vay, các doanh nghiệp cũng phải sử dụng vốn đúng mục đích, các doanh nghiệp hiện nay theo luật phải phát hành trái phiếu không quá 5 lần chủ sở hữu, các bước huy động vốn cũng như vậy để bảo đảm an toàn…
Hiện nay, các tổ chức tín dụng đang bị hạn chế vì 80-90% nguồn vốn huy động là nguồn vốn ngắn hạn - trong khi đó, yêu cầu của thị trường bất động sản là nguồn vốn trung và dài hạn, rủi ro này của các tổ chức tín dụng chúng ta phải chia sẻ. Chúng tôi mong muốn Chính phủ và cả người dân có nhận thức rằng bỏ vốn vào ngân hàng ở các kênh trung, dài hạn để các ngân hàng có nguồn tốt hơn, an toàn hơn để cho vay, chuyển đổi trong xã hội để tăng thêm nguồn gửi tiền tiết kiệm trung, dài hạn nhiều hơn, chúng mới đảm bảo cho tín dụng phát triển an toàn, bền vững, trong đó có thị trường bất động sản. Đối với các doanh nghiệp bất động sản thì phải uy tín sẽ được các tổ chức tín dụng đưa vào danh sách khách hàng uy tín… Tự thân các doanh nghiệp bất động sản phải cấu trúc lại doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, không dàn trải, chuyển hướng đầu tư sang phân khúc thị trường đáp ứng nhu cầu thực.
Bởi vì hiện nay, đa số bất động sản đưa ra phân khúc cao cấp, rất thiếu nhà ở có giá trung bình, nhà ở xã hội, cho nên chúng tôi khuyến nghị các doanh nghiệp bất động sản chuyển hướng có những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực của người dân, đáp ứng chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội. Thời gian vừa rồi rất hoan nghênh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có gói tín dụng 145 nghìn tỷ đồng, hiện tỷ lệ giải ngân còn đang thấp, hy vọng có cơ chế mới sẽ giải ngân được nhiều hơn, mong NHNN tạo điều kiện có cơ chế tiếp cận tín dụng với các doanh nghiệp đủ điều kiện, trong đó có phân biệt để doanh nghiệp tiếp cận tín dụng.
Ông Châu cũng chia sẻ mong NHNN có cơ chế để xử lý nợ xấu, cả ngân hàng cả doanh nghiệp cùng đồng hành, bước song hành với nhau để các bên đều có lợi, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh.
Hàn Đông