Nhờ đâu bất động sản Việt hút vốn FDI?
Chuyên giá CBRE nhận định thị trường bất động sản đang thu hút dòng vốn FDI nhờ sự quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển hạ tầng.
Việt Nam cho thấy khả năng thích ứng linh hoạt với các biến động kinh tế và chính trị toàn cầu
Tại sự kiện Tổng quan thị trường bất động sản Việt Nam 2025 sáng ngày 08/07, bà Dương Thùy Dung – Giám đốc Điều hành, Trưởng bộ phận Nghiên cứu CBRE Vietnam đánh giá chính sách thuế quan của Tổng thống Trump đã tạo ra một bức tranh thuế quan vô cùng đa dạng và phức tạp. Sau nhiều vòng đàm phán, Tổng thống Trump đã công bố đạt được khung thỏa thuận giữa Việt Nam và Mỹ. Theo đó, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ sẽ chịu mức thuế 20% nói chung, riêng các sản phẩm được coi là trung chuyển sẽ chịu mức thuế 40%.
![]() Nguồn: CBRE. Ảnh: Thượng Ngọc
|
Phản ứng ban đầu của thị trường khá tích cực khi Việt Nam là 1 trong 3 thị trường sớm đạt được thỏa thuận với Mỹ. Các chuyên gia kinh tế trong nước cho rằng mức thỏa thuận này chấp nhận được và thấp hơn đáng kể so với mức ban đầu bị áp thuế 46%. Mức thuế này cũng thấp hơn so với mức thuế quan chung của khối ASEAN là khoảng 33%.
Mặt khác, chính sách bảo vệ thương mại của Mỹ đang khiến các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu xem xét và định hình lại chiến lược kinh doanh toàn cầu của họ. Các tập đoàn công nghệ và điện tử hàng đầu Hàn Quốc như Samsung hay LG của Nhật Bản đang xem xét lại chiến lược kinh doanh toàn cầu và kế hoạch mở rộng tại Việt Nam, nơi được coi là thị trường sản xuất chủ chốt. Các doanh nghiệp sản xuất giày da lớn như Nike hay Adidas cũng đang tìm cách giảm thiểu mức thuế khi xuất khẩu vào Mỹ. Gần đây nhất, Nikkei Asia dự báo sản lượng sản xuất ô tô toàn cầu sẽ giảm 2%.
![]() Nguồn: CBRE - Ảnh: Thượng Ngọc
|
Trước bối cảnh thương mại đầy thách thức, Chính phủ Việt Nam đã và đang đẩy mạnh sự hợp tác đa phương và song phương để đa dạng hóa hợp tác thương mại.
Cụ thể, về quan hệ song phương, Việt Nam đã ký quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 13 quốc gia, bao gồm các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.
Còn về đa phương, Việt Nam tham gia tích cực vào Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, OECD. Gần đây nhất, vào tháng 6/2025, Việt Nam được công nhận là quốc gia đối tác của khối BRICS. Trước đó vào tháng 4, Liên minh châu Âu (EU) cũng bày tỏ mong muốn sớm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.
Liên quan đến các chỉ số kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025, tăng trưởng của GDP đạt mức 7.52%, mức cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011. Riêng quý 2 năm nay, mức tăng trưởng là 7.96%. Điều này cho thấy khả năng thích ứng linh hoạt với các biến động kinh tế và chính trị toàn cầu.
Các tổ chức kinh tế thế giới dự đoán Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng GDP, với mức dự toán khoảng 3.8-6.2% cho năm 2025 và 2026. Tuy nhiên, các tổ chức kinh tế trong nước lại tỏ ra lạc quan hơn, đưa ra mức dự toán tăng trưởng cho cả năm 2025 của Việt Nam là 7-7.6%.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt 22 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. FDI thực hiện đạt khoảng 12 tỷ USD, tăng 8%, đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua đối với dòng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam.
Doanh thu bán lẻ và tiêu thụ dịch vụ tăng trưởng khoảng 8.5% đến 9% trong 6 tháng đầu năm, thể hiện niềm tin tiêu dùng và khả năng tiêu dùng trên thị trường tăng đáng kể.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 430 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, trong đó xuất khẩu đạt khoảng 215 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế là một nền kinh tế xuất siêu khá lớn. Mỹ là một trong những đối tác thương mại rất lớn, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 71 tỷ USD, chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù chính sách thuế quan đã ảnh hưởng đến tâm lý và kế hoạch tăng trưởng kinh tế toàn cầu của các công ty lớn, Việt Nam vẫn đảm bảo vị thế trong bức tranh xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, bà Dung chỉ ra Việt Nam vẫn có 1 chỉ số đáng lo ngại là PMI ngành sản xuất. Cụ thể, chỉ số PMI của Việt Nam trong tháng 6 chỉ đạt 48.9 điểm, giảm từ 49.8 điểm của tháng 5. Đây là tháng thứ ba liên tiếp chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam ở dưới mức 50 điểm, cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới bị sụt giảm, dẫn tới nhu cầu giảm và sức khỏe của nền sản xuất đang gặp vấn đề.
Vì sao thị trường bất động sản Việt Nam thu hút được dòng vốn FDI?
Bà Dung cho biết CBRE đã thực hiện khảo sát tâm lý đối với hơn 150 khách hàng là nhà đầu tư và người thuê trong các lĩnh vực khác nhau.
Theo đó, đối với các nhà đầu tư bất động sản, 60% trả lời rằng đang "án binh bất động", tức là đang quan sát thị trường và chưa đưa ra quyết định gì; 39% nhà đầu tư cho biết có thể sẽ trì hoãn kế hoạch mua bán; và 21% đã trì hoãn.
Tương tự, khoảng 50% doanh nghiệp liên quan đến bất động sản công nghiệp và hậu cần cũng cho biết tạm thời chưa làm gì.
Mặt khác, chỉ có một lượng nhỏ người được phỏng vấn cho biết sẽ thoái vốn khỏi thị trường, điều này cho thấy chưa có làn sóng thoái vốn lớn.
Về phía các nhà đầu tư nước ngoài, bất chấp những bất ổn quốc tế, sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với thị trường Việt Nam vẫn còn đó. Các quỹ đầu tư lớn từ Singapore như CapitaLand bày tỏ mong muốn đầu tư khoảng 5-7 tỷ USD vào thị trường Việt Nam. Một số nhà đầu tư từ Thụy Điển cũng mong muốn phát triển cơ sở sản xuất lên tới 1 tỷ USD tại Bình Định.
Gần đây nhất là sự hợp tác giữa nhà đầu tư trong nước Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE: KBC) với Tập đoàn Trump để quản lý các dự án sân golf tại Hưng Yên.
Không chỉ dừng lại ở mong muốn, dòng vốn FDI chiếm đến hơn 4% tổng GDP của Việt Nam, đây là tỷ trọng cao nhất so với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Riêng trong lĩnh vực bất động sản, tỷ trọng FDI đang trong xu hướng tăng cao. Thông thường, tỷ trọng này dao động khoảng 16-18%. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ trọng đầu tư FDI vào bất động sản đã lên tới 24%, cho thấy bất động sản cũng đang được hưởng lợi từ dòng vốn này.
Bà Dung cho biết việc thị trường bất động sản Việt Nam đang thu hút dòng vốn FDI đến từ xu hướng phát triển cơ sở hạ tầng và sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đưa các công trình trọng điểm vào khởi công hoặc hoàn thành. Hiện, một loạt dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm đã và sẽ được đưa vào hoạt động từ nay cho đến năm 2025, 2026 hoặc đến năm 2030.
![]() Nguồn: CBRE - Ảnh: Thượng Ngọc
|
Hà Lễ