Tín dụng tăng cao nhất kể từ năm 2022, cho vay kinh doanh bất động sản chiếm 18.47%
Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025 diễn ra sáng 08/07, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 30/06/2025, tín dụng nền kinh tế đạt trên 17.2 triệu tỷ đồng, tăng 9.9% so với cuối năm 2024.
![]() Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu tại họp báo.
|
NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2025 đã tăng 9.9% so với cuối năm 2024, và tăng 19.32% so với cùng kỳ, được đánh giá là một kết quả rất tích cực và đúng định hướng của NHNN.
Cơ cấu tín dụng phù hợp với cơ cấu nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp. Các lĩnh vực có tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ và tiếp tục tăng trưởng khá bao gồm: Nông, lâm, thủy sản chiếm 6.37%; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 12.84%, xây dựng: 5.53%, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy chiếm 23.74%, kinh doanh bất động sản chiếm 18.47%, hoạt động làm thuê trong các hộ gia đình sản xuất vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng chiếm 12.91%. Đặc biệt, các lĩnh vực như nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao có tỷ lệ tăng trưởng cao.
Các ngân hàng cũng tích cực giải ngân cho các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ như chương trình tín dụng lâm sản và chương trình hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Lý giải về nguyên nhân tín dụng tăng trưởng nhanh trong nửa đầu năm, ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, NHNN đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng và phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Các giải pháp này bao gồm: Thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng; điều hành tín dụng linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và lạm phát; theo dõi sát tình hình thực tế, đánh giá sâu sắc khó khăn để xác định giải pháp trọng tâm; đẩy mạnh các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, và triển khai các chương trình tín dụng chính sách.
Đồng thời, ngành ngân hàng tích cực triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP với quy mô hiện là 145,000 tỷ đồng; Chương trình tín dụng 500,000 tỷ đồng cho vay đầu tư hạ tầng, công nghệ số nhằm thực hiện các dự án trọng điểm/quan trọng quốc gia thuộc các lĩnh vực giao thông, điện lực và công nghệ số theo danh mục do các Bộ, ngành công bố; cho vay đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản nâng quy mô lên 100,000 tỷ đồng…
Đánh giá về triển vọng tăng trưởng tín dụng, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% là vấn đề được NHNN đặc biệt quan tâm. Để duy trì và đạt được tốc độ tăng trưởng này, NHNN cho biết khả năng cao lạm phát năm nay sẽ được kiểm soát ở mức dưới 5%, tạo dư địa để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm.
Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến ngày 30/06 đã đạt 9.9% - mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2022 và gấp gần 2.5 lần so với cùng kỳ năm 2024. NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát lạm phát để điều hành tín dụng và trong trường hợp cần thiết, sẽ nghiên cứu điều chỉnh dư địa tín dụng cho các tổ chức để đảm bảo mục tiêu.
Trong nửa cuối năm, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Cát Lam