Nhóm ngành nào chịu tác động nhiều nhất từ thuế đối ứng?
Dù kịch bản nào xảy ra, tác động của thuế quan với nền kinh tế Việt Nam là khó tránh khỏi.
Đây là đánh giá của bà Bùi Thị Thao Ly - Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV) trong buổi chia sẻ sáng 25/06.
Cú sốc thuế đối ứng của Mỹ và 90 ngày đàm phán song phương
Ngày 02/04, Mỹ bất ngờ thông báo áp thuế đối ứng với hơn 180 quốc gia trên toàn cầu khiến thị trường tài chính chao đảo, cổ phiếu bị bán tháo, trong khi vàng tăng phi mã bao trùm bởi nỗi lo suy thoái kinh tế.
Trong số hơn 180 quốc gia bị áp thuế, 57 quốc gia mà Mỹ có thâm hụt thương mại chịu mức thuế cao lên đến 50%. Việt Nam cũng bị áp mức thuế 46%, nằm trong top các nước chịu mức thuế cao nhất.
Trước phản ứng có phần sốc của thị trường tài chính toàn cầu, chính quyền Trump sau đó đã hoãn áp dụng thuế đối ứng cao trong 90 ngày để đàm phán bắt đầu từ ngày 09/04.
Tính đến nay, Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Anh và Trung Quốc. Việt Nam cũng đã chính thức khởi động đàm phán với Mỹ từ ngày 23/04 và đã có những tiến triển tích cực trong 2 vòng đàm phán chi tiết vào tháng 5 và 6.
Về việc đàm phán song phương giữa Mỹ và các đối tác, SSV lưu ý Tổng thống có quyền quyết định nội dung đàm phán cũng như áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ các nước có mức thuế quan không tương ứng với Mỹ, mà không cần thông qua quốc hội theo Đạo luật Thương mại Đối ứng Hoa Kỳ. Do đó, nội dung các cuộc đàm phán song phương là bảo mật, những quốc gia có thiện chí đưa ra mức thỏa thuận tốt sẽ được áp dụng mức thuế thấp, thậm chí dưới mức thuế chung 10%.
Thời gian 90 ngày đàm phán sẽ kết thúc vào 07/07 và Mỹ sẽ gửi thư thông báo mức thuế mới cho các nước chưa được đàm phán. SSV kỳ vọng Việt Nam đạt được thỏa thuận tốt với Mỹ trong vài ngày tới.
Theo dõi diễn biến trong các cuộc đối thoại cũng như hành động của Chính phủ gần đây, SSV kỳ vọng Việt Nam đạt được thỏa thuận tốt với Mỹ trong vài ngày tới.
Bù lại, Việt Nam phải: (1) đảm bảo cân bằng thương mại bền vững giữa 2 nước thông qua việc tăng nhập khẩu hàng hóa mà Mỹ có thế mạnh; (2) đảm bảo xuất xứ hàng hóa là “made in Vietnam’’, cũng như các vấn đề sở hữu trí tuệ, bản quyền… và (3) tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Tác động của thuế đối ứng
Tuy nhiên, dù kịch bản nào xảy ra, tác động của thuế quan với nền kinh tế Việt Nam là khó tránh khỏi.
Theo IMF, thuế đối ứng của Mỹ có thể làm giảm tăng trưởng thương mại toàn cầu 0.2 điểm phần trăm và giảm tăng trưởng toàn cầu 0.8 điểm phần trăm. Mức độ tác động lên kinh tế Việt Nam chắc chắn lớn hơn khi chúng ta có nền kinh tế mở, quy mô xuất nhập khẩu tương đương 165% GDP. Quan trọng hơn, cả 2 nước Mỹ và Trung Quốc, 2 đối tượng chính trong cuộc chiến thuế quan lần này là 2 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Theo bà Ly, nhóm xuất khẩu sẽ chịu tác động trực tiếp khi thị trường Mỹ chiếm đến 30% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài các mặt hàng xuất khẩu chính là thiết bị điện tử, máy móc, công nghệ - hơn 90% được sản xuất bởi các doanh nghiệp FDI thì các nhóm còn lại như thủy sản, dệt may, sản phẩm gỗ đều có sự tham gia của các doanh nghiệp nội địa và có mức độ thâm hụt lao động lớn.
Các doanh nghiệp FDI đóng góp hơn 70% giá trị xuất khẩu của Việt Nam và khi xuất khẩu giảm, FDI suy yếu, các khu công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Thu nhập của hơn 3.7 triệu công nhân tại các khu công nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng, tâm lý tiêu dùng yếu sẽ tác động đến các nhóm ngành nội địa như bán lẻ, bất động sản…
Và khi chiến tranh thương mại xảy ra, cho vay doanh nghiệp xuất khẩu, cho vay cá nhân hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ là những đối tượng dễ bị tổn thương, sẽ mang đến rủi ro cho ngân hàng, khiến nợ xấu gia tăng.
Dệt may
Trong số những nhóm ngành bị tác động, bà Ly cho rằng dệt may sẽ gặp nhiều thách thức khi thị trường Mỹ chiếm đến 43% thị phần trong khi 65% nguồn nguyên liệu đầu vào là nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc.
Vì vậy, các doanh nghiệp dệt may cần có chiến lược tăng nội địa hóa, đa dạng hóa thị trường, tận dụng tối đa các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết. Cụ thể, ngoài thị trường xuất khẩu truyền thống, đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP rất tiềm năng khi các đối thủ chính của Việt Nam trong lĩnh vực này như Trung Quốc, Bangladesh và Ấn Độ hiện không là thành viên CPTPP. Hoặc để đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, SSV cho rằng Hàn Quốc và Ấn Độ là 2 nguồn cung cấp đáng xem xét. Hàn Quốc là quốc gia hàng đầu sản xuất vải với tiêu chuẩn cao và Ấn Độ là quốc gia sản xuất xơ sợi hàng đầu thế giới. Nhập khẩu cotton từ Mỹ cho các đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ cũng sẽ là lựa chọn tốt.
Thủy sản
Tương tự, nhóm ngành Thủy sản dù ít lệ thuộc vào thị trường Mỹ hơn, với thị phần 18%, cũng cần tiếp tục chiến lược đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh phát triển các thị trường mới với sức tiêu thụ lớn như Trung Đông, Brazil ngoài các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, TQ. Hiện, Việt Nam cũng đang thúc đẩy đàm phán FTA với khối thị trường chung Nam Mỹ, Brazil sẽ là cầu nối để Việt Nam tiến vào khối kinh tế lớn thứ 5 thế giới này.
Khu công nghiệp
Thách thức đối với khu công nghiệp cũng không hề nhỏ khi lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI có thể bị xói mòn bởi mức thuế cao.
Những năm gần đây, Việt Nam đang mất dần lợi thế chi phí nhân công rẻ nhưng tổng hợp các yếu tố, bao gồm chi phí lao động, hiệu quả lao động, chi phí thuê nhà xưởng, chi phí điện sản xuất và mức độ hoạt động hiệu quả của hệ thống logistic, SSV ước tính chi phí sản xuất ở Việt Nam vẫn thấp hơn tầm 25% so với bình quân các nước khu vực Đông Nam Á nhưng vẫn cao hơn Bangladesh, đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực dệt may và cao hơn Ấn Độ, đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ. Do đó, nếu mức thuế đối ứng từ 25% trở lên sẽ là trở ngại rất lớn cho lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam.
Với lợi thế về giá điện sản xuất thuộc nhóm rẻ nhất thế giới, Việt Nam có thể gia tăng lợi thế trong việc thu hút FDI lĩnh vực công nghệ, nhóm ngành tiêu thụ điện năng lớn. Trong định hướng chiến lược thu hút FDI thời gian tới, Việt Nam ta tập trung vào lĩnh vực công nghệ, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, còn có các lĩnh vực sản xuất thông minh, logistic, cảng biển - phù hợp với quy hoạch phát triển khu công nghiệp đã được phê duyệt trong năm 2024 của 63 tỉnh thành trên cả nước với các khu công nghiệp mới tập trung ở các tỉnh ven biển, có vị trí địa lý thuận lợi giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cát Lam