Tin tức
Tại sao các ngân hàng thương mại tăng lãi suất?

Tại sao các ngân hàng thương mại tăng lãi suất?

17/08/2005

Banner PHS

Tại sao các ngân hàng thương mại tăng lãi suất?

Trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại thường xuyên chạy đua với nhau tăng lãi suất huy động vốn VND và USD...

Trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại thường xuyên chạy đua với nhau tăng lãi suất huy động vốn VND và USD.

 

Đặc biệt là nếu như trước đây lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại Nhà nước thấp hơn lãi suất của các ngân hàng thương mại cổ phần, thì nay đang sát nút, tương đương nhau.

 

Bên cạnh lý do nhu cầu vốn trong nền kinh tế tăng lên, nhưng khả năng huy động khó khăn, và do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất USD, việc các ngân hàng chạy đua lãi suất còn do các nguyên nhân sau đây:

 

Một là, có thêm nhiều kênh thu hút tiền gửi cạnh tranh với ngân hàng.

Sau hơn 10 năm mở cửa thị trường bảo hiểm, đến nay trong cả nước có 28 doanh nghiệp tham gia hoạt động bảo hiểm. Trong 7 tháng đầu năm 2005, tổng doanh thu phí của ngành bảo hiểm ở nước ta đạt 9.300 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2004 và dự kiến cả năm sẽ đạt 17.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 2,5% GDP, so với tỷ lệ 0,37% GDP của năm 1995. Ngành bảo hiểm đạt tốc độ tăng bình quân 29-30%/năm.

 

Đây rõ ràng là một kênh cạnh tranh mạnh mẽ về huy động vốn với hệ thống ngân hàng thương mại ở nước ta.

 

Các tổ chức phi ngân hàng cũng thu hút tiền gửi, như: dịch vụ tiết kiệm bưu điện, tài chính vi mô, công ty tài chính trong tổng công ty Nhà nước,...  với số dư hiện lên hàng nghìn tỷ đồng.

 

Dòng vốn cũng đang bị hút vào việc đầu tư mua cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần. Đến nay tổng số vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần là 6.720,588 tỷ đồng, tăng 13,7% so với quý I/2005. Tức là chỉ trong vòng có 3 tháng số tiền trong dân đầu tư vào mua cổ phiếu các ngân hàng thương mại cổ phần đã là trên 1.000 tỷ đồng.

 

Ngoài ra, vốn còn đổ vào mua cổ phần của các doanh nghiệp cổ phần hoá. Tính đến nay trong cả nước có trên 2.500 doanh nghiệp Nhà nước được sắp xếp lại, trong đó có hơn 2.000 doanh nghiệp cổ phần, thu hút số vốn mua cổ phần lên tới khoảng 15.000 tỷ đồng.

 

Chưa kể, vốn đầu tư mua chứng khoán hiện ước tính đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng, rồi vốn đầu tư mua trái phiếu Chính phủ, công trái giáo dục, trái phiếu đô thị và trái phiếu doanh nghiệp. Tính đến 31/5/2005 số vốn đã huy động được là 12.004 tỷ đồng; trong đó qua hai đợt phát hành trái phiếu Chính phủ, cả nước đã huy động được 10.066 tỷ đồng, đạt 105,96% kế hoạch,... Hiện nay Bộ Tài chính đang triển khai phát hành trái phiếu Chính phủ đợt III, dự kiến huy động 10.500 tỷ đồng, hoàn thành trước 30/9/2005.

 

Hai là, tại các ngân hàng thương mại ở nước ta dịch vụ ngân hàng chưa phát triển, chưa thu hút được đông đảo người dân, mở tài khoản, gửi tiền không kỳ hạn, tiền gửi thanh toán và chấp nhận các dịch vụ ngân hàng tiện ích.

 

Do đó, số dư trên tài khoản không lớn và tiền để trên tài khoản không lâu, nên ngân hàng thương mại không có nguồn vốn tiền gửi không kỳ hạn ở mức độ lớn để sử dụng cho vay, thanh toán và đầu tư,...

 

Ba là, nếu như trước đây, khối ngân hàng thương mại Nhà nước luôn chi phối lãi suất trên thị trường huy động vốn, thì nay các ngân hàng thương mại Nhà nước lại đang chạy theo các ngân hàng thương mại cổ phần để tăng lãi suất.

 

Hoạt động ngân hàng minh bạch hơn, mạng lưới giao dịch của các ngân hàng thương mại tiện lợi hơn, uy tín giữa các khối ngân hàng thương mại Nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần được đảm bảo và ngang nhau, nên ngân hàng nào có lãi suất hấp dẫn, có lãi suất cao thì người dân tìm đến gửi tiền.

 

Tại các thành phố lớn, như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng,.... mạng lưới giao dịch của ngân hàng đang phát triển rộng khắp. Tại một địa điểm, nhưng có phòng giao dịch của 2-3 ngân hàng. Ví dụ như tại tầng 1 toà nhà chung cư 18T-1 khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính có tới 3 chi nhánh của Ngân hàng nông nghiệp & phát triển nông thôn, Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương.

 

Tại nhiều trung tâm thương mại, khu phố đông dân cư khác cũng có tình trạng tương tự, 2 - 3 điểm giao dịch của các ngân hàng thương mại nằm kề bên nhau, nên người dân dễ dàng so sánh ngân hàng thương mại nào có lãi suất cao hơn thì họ gửi.

 

Giải pháp trước mắt để hạ nhiệt lãi suất trên thị trường hiện nay, có lẽ cần xem xét giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Nếu như về điều hành chính sách chỉ cần giảm 1-2% tỷ lệ này sẽ có hàng nghìn tỷ đồng bổ sung cho nguồn cung vốn, đáp ứng nhu cầu cho vay của ngân hàng thương mại.

 

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của Hiệp hội Ngân hàng đối với tất cả các khối ngân hàng thương mại, kể cả ngân hàng thương mại cổ phần trong việc hạn chế cuộc chạy đua tăng lãi suất. Bởi vì lãi suất càng tăng lên, các ngân hàng thương mại càng gặp rủi ro lớn và lợi nhuận trong kinh doanh giảm.

 

Đành rằng lãi suất phản ánh cung cầu vốn trên thị trường, nhưng những biện pháp can thiệp giảm bớt nóng trên thị trường, giảm tình trạng chạy đua với nhau làm tổn hại lợi ích chính các ngân hàng thương mại là hết sức cần thiết. Về chiến lược, cần đẩy mạnh phát triển dịch vụ ngân hàng, mở rộng tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt trong dân cư.

TBKTVN

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng