Thủ tướng Campuchia tiết lộ kế hoạch thúc đẩy các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa
Những tiến triển kinh tế – xã hội trong hai thập kỷ qua đã mang lại cho Campuchia thêm niềm tự hào mới về dân tộc, nhất là khi quốc gia Đông Nam Á này đang hướng tới mục tiêu thoát mác “quốc gia kém phát triển” (LDC) vào năm 2029.
Đó là tuyên bố của Thủ tướng Hun Manet hôm 27/06 trong buổi gặp gỡ cộng đồng thủ công mỹ nghệ và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), được tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) Quốc gia lần thứ hai.
Thủ tướng Campuchia thừa nhận rằng, tuy thoát mác LDC vào năm 2029 là mục tiêu đầy tham vọng, nhưng Chính phủ Hoàng gia tin tưởng vào khả năng sẽ đạt được. Thủ tướng Hun Manet nhấn mạnh rằng các MSME đã có những đóng góp đáng kể và đóng vai trò quan trọng trong việc giúp quốc gia đạt được cột mốc này.
Lãnh đạo Vương quốc nói: “Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đã và sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong sản xuất, cung ứng và cung cấp dịch vụ. Họ đang thích nghi để đáp ứng các xu hướng mới, bao gồm nhu cầu thị trường thay đổi, thách thức môi trường và thay đổi công nghệ nhanh chóng”.
Bất chấp sự cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, nhiều MSME đã hiện đại hóa thành công chuỗi sản xuất và mở rộng sự hiện diện của họ trên thị trường trong nước, trong khu vực và trên thế giới.
“Chúng tôi tự hào về các doanh nghiệp đã phát triển – từ doanh nghiệp siêu nhỏ thành nhỏ, từ doanh nghiệp nhỏ thành vừa và từ doanh nghiệp vừa trở thành doanh nghiệp lớn. Chính phủ Hoàng gia Campuchia (RGC) luôn đồng hành cùng quý doanh nghiệp”.
Nhân buổi gặp gỡ này, Thủ tướng Campuchia cũng đã đưa ra những nỗ lực không ngừng của chính phủ nhằm đa dạng hóa thị trường ở cấp độ khu vực và trên thế giới. Những nỗ lực này bao gồm: (1) Thúc đẩy các MSME trở thành một phần của chuỗi sản xuất giá trị cao và là những yếu tố đóng góp vào các ngành công nghiệp liên kết ngược; (2) Khuyến khích hình thành và phát triển các cụm SME; (3) Hỗ trợ áp dụng các nguyên tắc môi trường, xã hội và quản trị (ESG) để phù hợp với xu hướng toàn cầu; (4) Nâng cao chất lượng, tính thẩm mỹ, tiêu chuẩn và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trong nước; và (5) Xây dựng một hệ sinh thái MSME toàn diện đòi hỏi sự tham gia và hỗ trợ của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả người tiêu dùng.
Thủ tướng nhấn mạnh rằng Chính phủ Hoàng gia cũng đang mở rộng đầu tư công ngoài cơ sở hạ tầng vật chất. Chính phủ đang tăng cường các cơ chế thể chế và nâng cao việc cung cấp dịch vụ công đổi mới để phát triển một hệ sinh thái kết nối và hỗ trợ lẫn nhau. Ông cho biết, điều này sẽ thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư và đảm bảo rằng các MSME vẫn là trụ cột của nền kinh tế Campuchia trong tương lai.
Ông nói thêm rằng các Bộ, tổ chức công và khu vực tư nhân – bao gồm các tổ chức tài chính – cũng đã đưa ra các cơ chế thực tế để cải thiện môi trường kinh doanh và trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. Những nỗ lực số hóa đã đơn giản hóa các thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, khai báo thành lập và các quy trình hoạt động, giảm đáng kể thời gian và chi phí cho các doanh nhân.
Khai Tâm (Theo Khmer Times)