TPHCM được giữ lại 80% tiền sử dụng đất, thuê đất thu được
Ngày 25/06/2025, Quốc hội thông qua việc Luật Ngân sách (sửa đổi) với quy định về tỷ lệ phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương liên quan đến các khoản thuế và tiền sử dụng đất, thuê đất thu được.
TPHCM được giữ lại 80% tiền thuê đất
Luật Ngân sách sửa đổi bổ sung một số nội dung như đối với nhóm các khoản thu ngân sách trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSĐP) hưởng 100% cơ bản giữ như quy định hiện hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung điều chỉnh thuế giá trị gia tăng (GTGT) hàng nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với mặt hàng xăng, dầu nhập khẩu (Luật hiện hành NSTW hưởng 100%), thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất (Luật hiện hành NSĐP hưởng 100%) sẽ thực hiện phân chia giữa NSTW và NSĐP. Đồng thời, quy định cụ thể ngay trong Luật tỷ lệ phân từng khoản thu phân chia giữa NSTW với NSĐP cho từng nhóm địa phương theo đúng Kết luận số 93 của Bộ Chính trị.
Cụ thể, thuế thu nhập doanh nghiệp (trừ hoạt động dầu khí và thuế bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu), thuế thu nhập cá nhân thực hiện phân chia NSTW hưởng 72% số thu trên địa bàn TP Hà Nội và TPHCM; 45% số thu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương; 30% đối với các địa phương còn lại.
Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), trừ khoản hoàn thuế TTĐB (nếu có) và thuế TTTĐB thu từ hàng hóa nhập khẩu thực hiện phân chia NSTW hưởng 80% số thu trên địa bàn TP Hà Nội và TPHCM; 70% số thu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương; 50% đối với các địa phương còn lại.
Thuế BVMT thực hiện phân chia: NSTW hưởng 80%, NSĐP hưởng 20% số thu trên địa bàn.
Thuế GTGT (không bao gồm số thuế GTGT được hoàn theo quy định của Luật thuế GTGT) thực hiện phân chia: NSTW hưởng 70%, NSĐP hưởng 30%. Việc phân chia cho từng địa phương trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định hằng năm.
Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trừ thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý, các địa phương không nhận bổ sung cân đối thì NSTW hưởng 20%; NSĐP hưởng 80% (thay vì 30%-70% như dự thảo). Còn các địa phương nhận bổ sung cân đối thì NSTW hưởng 15%; NSĐP hưởng 85% (thay vì 20%-80%).
Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước do cơ quan có thẩm quyền của trung ương cấp thực hiện phân chia với tỷ lệ NSTW hưởng 70%, NSĐP hưởng 30%.
Như vậy, với việc là địa phương không nhận bổ sung cân đối ngân sách, TPHCM sẽ được hưởng 80% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Còn Hà Nội nhờ cơ chế riêng theo Luật Thủ đô nên sẽ được tiếp tục giữ lại 100% các khoản thu này.
UBND cấp tỉnh chỉ còn được phê duyệt dự án PPP thuộc nhóm B và C
Cũng trong ngày 25/06, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều trong 8 luật, gồm: Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó, một số điều luật quy định lại quyền và trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.
Cụ thể, theo nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công, UBND cấp tỉnh có thêm thẩm quyền và trách nhiệm về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các dự án, nhiệm vụ, đối tượng đầu tư công khác, bảo đảm không làm thay đổi về mục tiêu, danh mục dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương.
UBND cấp tỉnh không còn nhiệm vụ, quyền hạn trong việc xem xét, có ý kiến về chủ trương đầu tư dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Thay vào đó, cơ quan này có nhiệm vụ kiểm điểm, kỷ luật, điều chuyển cán bộ thuộc đơn vị chủ đầu tư, ban quản lý dự án trực thuộc thực hiện kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ, dự án không bảo đảm tiến độ theo quy định của Chính phủ.
Còn theo sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), UBND cấp tỉnh không còn được quyết định chủ trương đầu tư tất cả dự án PPP thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Thay vào đó, UBND cấp tỉnh chỉ được quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời phê duyệt đối với dự án PPP có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B và C.
Về trình tự quyết định chủ trương đầu tư của dự án PPP thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, đơn vị chuẩn bị dự án báo cáo nghiên cứu khả thi để làm cơ sở cho UBND xem xét, quyết định. Chủ tịch UBND giao một đơn vị trực thuộc thực hiện thẩm định báo cáo (thay vì cụ thể hội đồng thẩm định cấp cơ sở hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi như trước đây) và gửi lại cho đơn vị chuẩn bị dự án.
Sau đó, đơn vị chuẩn bị dự án hoàn chỉnh hồ sơ và trình lại UBND cấp tỉnh để được xem xét đưa ra quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời phê duyệt dự án.
Về thẩm quyền phê duyệt dự án PPP, Chủ tịch UBND cấp tỉnh được cấp thêm quyền phê duyệt các dự án trong lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, dự án PPP ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển.
Hà Lễ