TPHCM sẽ định hình lại các khu công nghiệp ra sao?
Các khu công nghiệp và khu chế xuất tại TPHCM được định hướng tới mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp tiên tiến, thân thiện môi trường và hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến đô thị.
Ngày 11/06, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Trong đó, việc tổ chức lại không gian công nghiệp là một trong những định hướng lớn, đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, chuyển đổi mô hình phát triển công nghiệp sang công nghệ cao và thân thiện với môi trường.
Theo đó, TPHCM sẽ tập trung phát triển chức năng 33 khu công nghiệp (KCN), 3 khu chế xuất và 7 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 9.2-10.2 ngàn ha tại các khu vực dọc theo Vành đai 3, tuyến tránh Quốc lộ 22, cảng Hiệp Phước và một số khu vực thuận lợi kết nối giao thông và chuyển đổi chức năng tại Bình Chánh, Củ Chi, Bắc Cần Giờ hiện nay.
Trong quy hoạch mới, nhiều KCN hiện hữu sẽ được tái cấu trúc để chuyển đổi chức năng hoặc nâng cấp lên mô hình công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Cụ thể, KCN Tân Tạo (quận Bình Tân) sẽ được tái cấu trúc theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến, hiệu quả cao hơn, phát triển quanh khu vực đường Tên Lửa - đường số 7 và đường Vành đai 2. Chuyển đổi các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thành công viên cây xanh, thương mại dịch vụ; công nghệ cao, công nghiệp tiên tiến.
Tương tự, KCN Tân Bình cũng được định hướng tái cấu trúc thành công nghiệp công nghệ cao, tiên tiến. Các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ tại đây sẽ được chuyển đổi dần sang chức năng phục vụ dân cư, thương mại hoặc dịch vụ.
Các KCN Hiệp Phước (Nhà Bè) và khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) sẽ chuyển dịch sang mô hình công nghệ cao, kết nối với cảng và trung tâm logistics. Chú trọng kết nối với không gian đô thị khu trung tâm tại phía Bắc kênh Đôi, kênh Tẻ và khu vực Chợ Lớn nhằm thu hút dân cư, giảm tải cho khu trung tâm.
Khu vực phía Tây TPHCM phát triển KCN Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai cùng các cụm công nghiệp khác, gắn với trung tâm logistics Tân Kiên, hệ thống đường sắt, ga hàng hóa và các trục giao thông trọng điểm như Vành đai 3.
Ở phía Bắc, phát triển các KCN dọc theo Quốc lộ 22, Vành đai 3 và 4. Tại khu vực Bình Khánh (Cần Giờ), tập trung phát triển khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ với sự phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, KCN và cảng và trung tâm logistics Bình Khánh; kết nối với đường vành đai 3 tạo thành khu vực cửa ngõ giữa TPHCM và Nhơn Trạch (Đồng Nai) tại khu vực phía Nam.
TPHCM cũng định hướng quy hoạch 28 khu vực trọng điểm phát triển đô thị, trong đó có 11 khu trọng điểm phát triển thuộc địa bàn phân vùng đô thị Thủ Đức với tổng diện tích khoảng 20,000 – 22,000ha. Các chức năng chính được ưu tiên phát triển là công nghiệp tiên tiến, công nghệ cao, dịch vụ, nghiên cứu, đào tạo, du lịch và các chức năng đô thị khác nhằm tạo sự hấp dẫn thu hút đầu tư.
Đặc biệt, tiếp tục nâng cấp, phát triển và hình thành mới các khu công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 2.2-2.6 ngàn ha gồm khu công nghệ cao TPHCM, khu công viên khoa học và công nghệ tại phân vùng đô thị Thủ Đức, khu công nghệ cao Phú Mỹ Hưng tại huyện Củ Chi. Phát triển các khu công nghệ khác tại khu đô thị trung tâm và tại các khu vực huyện Củ Chi, Bình Chánh và Nhà Bè.
Tại các khu hiện hữu, sẽ chuyển đổi theo hướng tăng kết nối sản xuất, phát triển nghiên cứu, hình thành hệ sinh thái sáng tạo gắn với công nghệ cao, đào tạo và sản xuất. Mô hình mới sẽ tích hợp sản xuất, dịch vụ và lưu trú phù hợp với xu hướng hiện đại.
Với quy hoạch này, TPHCM hướng tới tái cấu trúc công nghiệp mới – thông minh, thân thiện môi trường và tích hợp hơn.
Thanh Tú