Tin tức
Từ những vụ “lùa gà” ngàn tỷ: Khi lừa đảo tiền ảo quá dễ dàng, cần gấp rút quản lý các sàn tiền số

Từ những vụ “lùa gà” ngàn tỷ: Khi lừa đảo tiền ảo quá dễ dàng, cần gấp rút quản lý các sàn tiền số

18/07/2025

Banner PHS

Từ những vụ “lùa gà” ngàn tỷ: Khi lừa đảo tiền ảo quá dễ dàng, cần gấp rút quản lý các sàn tiền số

Việc đầu tư tiền ảo (crypto, hay tiền kỹ thuật số) tại Việt Nam đang nằm trong “vùng xám” về pháp lý, khi pháp luật hiện tại chỉ cấm sử dụng tiền mã hóa làm phương tiện thanh toán hợp pháp nhưng chưa quy định rõ về quyền sở hữu và giao dịch. Dù Luật Công nghiệp Công nghệ số gần đây được thông qua, nhưng tới 2026 mới chính thức có hiệu lực.

Nói cách khác, giao dịch tiền ảo tại Việt Nam không bị cấm, nhưng cũng không có quy định nào để bảo vệ các nhà đầu tư. Điều này vô tình biến tiền ảo trở thành mảnh đất màu mỡ cho những kẻ lừa đảo ra tay, với những pha “úp bô” trị giá tới cả chục ngàn tỷ đồng.

Từ những vụ lừa đảo tiền ảo trị giá ngàn tỷ

Năm 2018, dư luận chấn động trước vụ lừa đảo quy mô lớn có tên iFan và Pincoin - 2 dự án tiền ảo do CTCP Modern Tech đứng ra quảng bá. Tháng 10/2017, các đối tượng đứng sau Modern Tech đã kêu gọi nhà đầu tư tham gia 2 dự án này với mức lợi nhuận lên tới 48%/tháng cùng cam kết hoàn vốn chỉ trong vòng 4 tháng. Núp dưới danh nghĩa dự án đầu tư công nghệ cao cùng một vỏ bọc hào nhoáng khi đặt trụ sở tại một tòa nhà sang trọng ở trung tâm quận 1, TP.HCM (giờ là phường Bến Nghé), dự án hút về hàng chục ngàn nhà đầu tư cùng số tiền khổng lồ.

Tuy nhiên, bản chất việc đầu tư của Modern Tech là mô hình Ponzi - lấy tiền người sau trả cho người trước. Để thúc đẩy mạng lưới phát triển theo cấp số nhân, những kẻ này đưa kèm chính sách hoa hồng 8% cho những ai lôi kéo được người mới tham gia - một đặc điểm không thể nhầm lẫn của mô hình kim tự tháp. Chúng cũng tổ chức nhiều sự kiện hoành tráng, lợi dụng bất hợp pháp hình ảnh của người nổi tiếng để quảng bá, khai thác niềm tin của công chúng.

Nhiều nhà đầu tư đã tới trụ sở của Modern Tech, giăng biểu ngữ đòi tiền

Và cũng giống như các mô hình Ponzi khác, Modern Tech nhanh chóng sụp đổ. Ngày 08/04/2018, nhiều người đã kéo băng rôn, biểu ngữ tới trụ sở Công ty, tố cáo đơn vị này lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng Modern Tech khi đó đã không còn hoạt động, sạch bóng nhân viên. Cuộc điều tra sau đó cho thấy, khoảng 32,000 người là nạn nhân của công ty này, với số tiền chiếm đoạt lên tới 15,000 tỷ đồng.

Nếu iFan là ví dụ về sự táo tợn thì đường dây tiền ảo Matrix Chain (MTC) cho thấy sự tiến hóa và mức độ tinh vi ngày càng cao của tội phạm tiền số. Vụ án bị cơ quan điều tra phát hiện vào đầu năm 2024, và đến 19/05/2025, 5 bị can có liên quan đến đường dây này đã bị bắt giữ tại Đồng Nai. Qua xác nhận, mạng lưới này đã chiếm đoạt hơn 10,000 tỷ đồng từ hơn 138,000 tài khoản, cho thấy khả năng tổ chức và quy mô hoạt động đã được nâng lên một tầm cao mới.

Dự án MTC là một trong những vụ lừa đảo tiền ảo quy mô lớn trong những năm qua

Thay vì chỉ hứa hẹn lợi nhuận khổng lồ, nhóm đối tượng đằng sau MTC đã tạo ra hệ sinh thái công nghệ phức tạp hơn. Chúng thuê các lập trình viên ẩn danh làm việc qua Telegram - ứng dụng nhắn tin rất khó truy vết quản lý - để tạo ra dự án MTC. Trong đó, các token MTC được công bố là token chính thức của dự án, phục vụ giao dịch tiền ảo, vay mượn và chuyển tiền trực tuyến.

Nhà đầu tư sẽ góp vốn qua hình thức “Vote”. 1 lần Vote trị giá 31 USD và mỗi ngày được Vote 2 lần. Bởi lượng Vote bị giới hạn mỗi ngày, có người lập hàng chục, hàng trăm tài khoản để đầu tư. Những kẻ đứng sau nói rằng đây không phải là Ponzi, mà tiền sau khi Vote sẽ được chuyển vào quỹ thưởng, sau đó trích quỹ trả lợi nhuận. Cộng đồng nhà đầu tư thì lan truyền tin tức về một “quỹ Thạch Sanh” - rút không bao giờ cạn, và số người tham gia ngày càng tăng mạnh vì mức hoa hồng hấp dẫn cùng niềm tin vào “tiềm năng, lợi nhuận” siêu khủng mà những kẻ lừa đảo tung ra để dụ dỗ.

Tuy nhiên, đồng tiền này thực tế không có giá trị, chỉ được người đã đầu tư vào dự án sử dụng. Để dẫn dụ nạn nhân, băng nhóm này đã tổ chức các buổi sự kiện quảng bá, xây dựng hệ thống theo hình thức đa cấp, phân chia theo khu vực 3 miền từ Bắc vào Nam. Tinh vi hơn, dự án được vận hành trên ví điện tử SafePal và nền tảng B2B Smart Trade, là những nền tảng công nghệ có thật, khiến ngay cả những người có kinh nghiệm cũng rơi vào cạm bẫy.

Tại sao lừa đảo tiền số quá dễ dàng?

Người phương Tây thường nói “miếng phô mai miễn phí chỉ có trên bẫy chuột”, được hiểu một cách đơn giản là ở đời không ai cho không ai cái gì, và miếng ngon miễn phí thường là cạm bẫy. Những phi vụ lừa đảo tiền ảo cũng vậy, chủ yếu đánh vào lòng tham của con người qua những khoản lợi nhuận hấp dẫn đến phi lý.

Tuy nhiên, cũng cần sự cảm thông cho các nạn nhân, bởi những kẻ lừa đảo không ra tay một cách đơn giản. Chúng luôn núp dưới vỏ bọc bóng bẩy, tổ chức sự kiện hoành tráng, lạm dụng tên tuổi người nổi tiếng, đưa ra những lời hứa và thao thúng tâm lý một cách bài bản để xây dựng lòng tin, dẫn dụ nạn nhân vào cái bẫy đã giăng ra.

Những đối tượng lừa đảo có thủ đoạn dẫn dụ nạn nhân không đơn giản. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó còn một thực tế không thể phủ nhận. Năm 2024, Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu về tỷ lệ người dùng tiền số, với khoảng 17 triệu người có sở hữu ví điện tử liên quan, chiếm 17% dân số, theo thống kê của Triple-A. Còn theo báo cáo “Global Crypto Adoption Index 2024” của Chainalysis, Việt Nam xếp thứ 5 toàn cầu về sở hữu tiền số, sau Ấn Độ, Nigeria, Indonesia, và Hoa Kỳ.

Ngược dòng thời gian, ở thời điểm các vụ việc trên xảy ra, Việt Nam chưa có sự công nhận dành cho tiền số. Như Nghị định 52/2024/NĐ-CP định nghĩa “tiền điện tử” là giá trị tiền đồng lưu trữ trên phương tiện điện tử, nhưng các loại tiền mã hóa Bitcoin không được công nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp. Tài sản mã hóa cũng chưa được công nhận là tài sản đúng nghĩa, tạo ra một trạng thái pháp lý lấp lửng đối với thị trường có giá trị kinh tế tới hàng tỷ USD.

Thiếu đi sự thừa nhận đồng nghĩa với không có sàn giao dịch tiền số nào được đặt tại Việt Nam, và nhà đầu tư buộc phải tìm đến các sàn từ nước ngoài. Một thị trường đông người tham gia khi khung pháp lý chưa đủ đã tạo điều kiện để những kẻ lừa đảo ra tay, với những pha “úp bô” giá trị tới ngàn tỷ đồng.

Ảnh minh họa

Cần khung pháp lý vững chắc cho các sàn tiền số

Vào ngày 14/06/2025, Luật Công nghiệp Công nghệ số đã được Quốc hội thông qua, chính thức có hiệu lực từ 01/01/2026. Đây là đạo luật đầu tiên tại Việt Nam đưa ra sự điều chỉnh toàn diện về ngành công nghệ số với điểm quan trọng nhất là sự công nhận và định nghĩa chính thức về tài sản số, chấm dứt những mơ hồ pháp lý đã tồn tại suốt nhiều năm qua.

Một điểm đáng chú ý, Chính phủ cũng đã nêu kế hoạch thí điểm một sàn giao dịch tiền mã hóa tập trung. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, sàn giao dịch sẽ được tổ chức bởi các đơn vị, doanh nghiệp được Nhà nước cấp phép. Từ đây, Nhà nước sẽ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tổ chức, cá nhân tham gia vào thị trường tiền số.

Đây là cách tiếp cận được các chuyên gia đánh giá là phù hợp, cho phép Chính phủ quan sát, đánh giá, điều chỉnh quy định một cách linh hoạt, đưa các giao dịch từ thị trường không chính thức vào tầm giám sát của cơ quan quản lý. Các sàn giao dịch được cấp phép triển khai bắt buộc phải được tích hợp các quy trình như xác thực KYC, chống rửa tiền… và phải đạt tiêu chuẩn an ninh mạng, giúp hạn chế lừa đảo và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, với việc công nhận tiền số là tài sản và có cơ chế cho các sàn giao dịch, một chế độ thuế rõ ràng cũng cần được ban hành. Giống như thị trường chứng khoán, lợi nhuận từ các giao dịch tiền số cần phải chịu thuế. Thống kê từ Chainalysis, giá trị giao dịch tiền ảo tại Việt Nam trong năm 2024 lên tới 105 tỷ USD. Giả sử các giao dịch phải chịu thuế 0.1% như chứng khoán, Ngân sách sẽ được bổ sung hơn 1 tỷ USD (khoảng 26 ngàn tỷ đồng) mỗi năm.

Châu An

FILI - 11:30:46 18/07/2025

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng