Vietstock Weekly 28/03 - 01/04: Thị trường đi ngang và tiếp cận "vùng đáy"?
(Vietstock) - Khi tất cả các nhóm cổ phiếu đều cùng đi ngang và tích lũy trong một thời gian dài, khả năng giảm thêm nữa của thị trường là rất thấp. Với những biến động hiện tại của nhóm chỉ số VS-Market Cap, chúng tôi cho rằng thị trường đã rất gần “vùng đáy”.
I. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC
Giá vàng và ngoại tệ cùng hạ nhiệt
Sau khi Chính phủ đưa ra một loạt các giải pháp để ”chỉnh đốn” lại hoạt động mua bán vàng và ngoại tệ trên thị trường tự do, giá vàng trong nước đã bình ổn trở lại và tỷ giá USD/VND cũng dần hạ nhiệt.
Từ đầu tuần, giá vàng miếng các thương hiệu trong nước đã liên tục điều chỉnh giảm. Tính lũy kế trong tuần giá vàng đã giảm 250,000 – 270,000 đồng mỗi lượng, bất chấp giá vàng thế giới liên tục tăng.
Tỷ giá USD/VND trong tuần giảm bất chấp giá USD trên thị trường thế giới tăng mạnh. Ngày cuối tuần tại Vietcombank, USD được mua vào với giá 20,885 đồng/USD, bán ra ở 20,890 đồng/USD. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng được NHNN công bố là 20,683 VND/USD. Trên thị trường tự do, tỷ giá được giao dịch quanh mức 21,100 đến 21,300 VND/USD.
Như vậy, sau khi NHNN công bố các giải pháp quyết liệt để chấn chỉnh các hoạt động mua bán vàng và ngoại tệ trên thị trường tự do, giá vàng và USD đã không còn ”nhảy múa” như trước. Đây có thể xem là một diễn biến tích cực.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến quan ngại xung quanh vấn đề này. Nhiều ý kiến nhận định đây chỉ là một sự rút lui tạm thời của thị trường ”chợ đen”. Trong thời gian tới, nếu như NHNN không có các biện pháp để ”bù đắp” lại việc siết chặt hoạt động của thị trường tự do thì hệ quả sẽ khó lường. Các hoạt động mua bán vàng và USD sẽ diễn ra tinh vi và rủi ro cũng cao hơn.
GDP quý 1 tại TPHCM gần gấp đôi so với ước tính cả nước
Tại cuộc họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM quý 1 và công tác trọng tâm quý 2/2011, GDP quý 1 trên địa bàn TPHCM được báo cáo tăng 10.3%, gần gấp đôi so với mức 5.5% ước tính cả nước.
Trong khi đó, chỉ số giá tiêu tháng (CPI) tháng 3 tại TPHCM tăng 2.2% so tháng trước và tăng 10.76% so cùng kỳ. CPI quý 1/2011 của TPHCM tăng 4.89%, thấp hơn mức 6.12% của cả nước.
Như vậy, có thể thấy bất chấp những khó khăn chung của các nước tăng trưởng kinh tế của TPHCM vẫn đạt được mức tăng khá cao.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý việc tính GDP địa phương thường rất khó chính xác và không phản ánh đúng bản chất của GDP. Trong suốt nhiều năm qua, một nghịch lý luôn tồn tại là GDP tại hầu hết các địa phương đều cao hơn GDP bình quân của cả nước. Nhiều địa phương hoạt động chủ yếu là nông nghiệp nhưng con số báo cáo GDP hàng năm đều tăng trên dưới 10%.
CPI tháng 3 tăng mạnh, NHNN sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ
Thông tin được mong chờ nhất trong tuần là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3. CPI tháng 3 của cả nước công bố tăng 2.17%, là mức tăng cao nhất trong vòng 34 tháng gần đây và đáng chú ý đầy là lần đầu tiên trong 20 năm qua CPI tháng 3 tăng cao hơn so với tháng 2.
Như vậy CPI cả nước trong quý 1/2011 đã tăng 6.12%, và mục tiêu giữ CPI cả dưới 7% gần như không thể đạt được. So với cùng kỳ năm trước CPI đã tăng 13.89%, mức cao nhất trong vòng 25 tháng gần đây.
Trước đó, CPI tháng 12/2010 tăng 1.98%, tháng 1/2011 tăng 1.74%, tháng 2 tăng 2.09%. Và trong 7 tháng gần nhất CPI luôn tăng trên mức 1%.
Với việc CPI tăng mạnh này thì chắc chắn NHNN sẽ phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và không loại trừ việc NHNN buộc phải nâng dự trữ bắt buộc trong thời gian tới.
Xuất nhập khẩu đều tăng mạnh và nhập siêu quý 1/2011 giảm so với cùng kỳ
Kim ngạch xuất nhập khẩu, sau khi giảm vào tháng 2 do bị gián đoạn dịp Tết, đã tiếp tục tăng mạnh vào tháng 3.
Cụ thể, xuất khẩu tháng 3 đạt 7.05 tỷ USD, tăng tới 45.4% so với tháng 2 và tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu đạt 8.2 tỷ USD, tăng 37.6% so với tháng trước và 21.5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính trong quý 1/2011, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 19.24 tỷ USD, tăng tới 33.7% so với cùng kỳ năm 2010. Trong khi đó nhập khẩu cũng tăng mạnh 23.8% đạt 22.27 tỷ USD.
Với kim ngạch xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu, nhập siêu quý 1 năm nay được kìm ở mức 3.03 tỷ USD, thấp hơn khoảng 400 triệu USD so với cùng kỳ năm 2010.
Cũng cần lưu ý là kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trong quý 1 có đóng góp khá quan trọng của việc giá tăng mạnh. Theo ước tính, đóng góp từ yếu tố tăng giá chiếm từ 7-8% tổng giá trị xuất nhập khẩu. Dù gì thì việc xuất nhập khẩu tháng 3 tăng mạnh cũng là một tín hiệu khả quan đối với nền kinh tế.
II. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
Thị trường đã có một tuần giao dịch giằng co trong biên độ hẹp và cả hai chỉ số đều sụt giảm. Kết thúc tuần VN-Index giảm 0.72%, về mức 457.74 điểm. Giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên chỉ còn 739.6 tỷ đồng, giảm mạnh so với trung bình của tuần trước. VN-Index đã có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm.
Trong khi đó trên HNX, chỉ số HNX-Index giảm đến 2.44%, về mức 92.89 điểm, với 4 phiên giảm và chỉ có 1 phiên tăng. Thanh khoản của thị trường vẫn ở mức khá thấp khi giá trị trung bình giao dịch mỗi phiên chỉ đạt 567 tỷ đồng.
Trong tuần qua, thị trường đã ghi nhận sự trở lại bất thành của những cố phiếu có vốn hóa lớn (Large Cap). Thông tin về CPI tháng 3 tăng trên 2% và lên mức cao nhất trong 34 tháng đã tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư. Bên cạnh đó lãi suất trên thị trường cũng tăng nhẹ do các chính sách thắt chặt tiền tệ quyết liệt của NHNN.
Điểm sáng trong tuần là việc khối ngoại mua ròng trở lại. Trên HoSE, khối ngoại đã mua ròng gần 60 tỷ đồng, trong khi khối này cũng gia tăng mua ròng 31 tỷ đồng trên HNX.
Cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trên HoSE tiếp tục là nhóm ngân hàng với CTG với giá trị 79 tỷ đồng, tiếp theo là VCB (22 tỷ đồng). Cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất là BVH (24 tỷ đồng), HAG (17.6 tỷ đồng).
Trên HNX, khối ngoại “miệt mài” gom VCG trong tuần qua với giá trị mua ròng đạt 33.5 tỷ đồng.
Điểm đáng lưu ý trong tuần
(1) Thị trường phân hóa khá mạnh giữa các nhóm cổ phiếu. Nhiều cổ phiếu tăng mạnh bất chấp áp lực điều chỉnh của thị trường. Chẳng hạn trên HoSE, cổ phiếu HLG, ASM tăng trên 20% trong tuần qua, còn trên HNX các cổ phiếu YBC, L18, PVG, NHA đều tăng trên 30%.
(2) Thanh khoản thị trường giảm do hành động tiết cung của giới đầu tư. Trong 2 phiên giao dịch cuối tuần, thị trường phải đón nhận tin CPI tăng mạnh nhưng áp lực bán tháo không lớn. Trong các phiên này, giao dịch giằng co suốt phiên nhờ hoạt động tiết cung và phần nào có lực cầu bắt đáy xuất hiện, thị trường chỉ giảm mạnh hơn vào cuối phiên giao dịch.
(3) Sau khi bán ròng khá mạnh tuần trước đó, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng. Giá trị mua ròng của khối ngoại trên cả 2 sàn đạt hơn 90 tỷ đồng. Điều này cho thấy việc khối ngoại thoái vốn vẫn chưa diễn ra.
(4) Dòng tiền có khuynh hướng chuyển qua sàn HNX khi giá trị giao dịch của sàn này chỉ giảm nhẹ so với tuần trước, còn trên HoSE giá trị giao dịch lại giảm rất mạnh.
III. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG TUẦN 28/03 – 01/04/2011
Chứng khoán thế giới có một tuần phục hồi sau khi những lo ngại thiên tai tại Nhật Bản tạm thời lắng dịu. Chỉ số Nikkei 225 đã tăng 5.27%, chứng khoán các nước châu Á, châu Âu và Mỹ cũng phục hồi ấn tượng trở lại.
Trong khi đó, chứng khoán trong nước lại chịu áp lực mạnh của CPI tháng 3 tăng mạnh và tăng trưởng GDP quý 1 ước tính đạt mức khá thấp. Giao dịch trên thị trường giằng co và thanh khoản sụt giảm.
Diễn biến trên thị trường vẫn cho thấy một số tín hiệu khá tích cực. Lực cầu bắt đáy xuất hiện ở một số mã cổ phiếu, hoạt động bán tháo cũng không mạnh khi có tín hiệu xấu về vĩ mô.
Trong tuần tới hầu hết các chỉ tiêu vĩ mô khác đều được công bố, đặc biệt là thông tin về tăng trưởng GDP. Đây là những thông tin có ảnh hưởng ít nhiều đến xu thế của thị trường.
Chúng tôi cho rằng thị trường đang đi vào xu thế sideway trong thời gian tới nếu không có những thông tin vĩ mô xấu bất ngờ được công bố.
Việc phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, nhóm ngành và dòng tiền tập trung ”đánh” mạnh để tạo lợi nhuận tại một số cổ phiếu là hoàn toàn không bất ngờ.
Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, VN-Index đang đi vào vùng giằng co. Ngưỡng Fibo Retracment 61.8% là ngưỡng cản luôn được giới phân tích kỹ thuật xem là cần “đặc biệt lưu ý”. Theo các bước sóng Elliott thì sóng giảm mạnh nhất cũng nằm ở ngưỡng cản Fibo 61.8%, và theo thuyết Dow thì giai đoạn bắt đầu bán tháo điên cuồn (Depress Selling) cũng nằm tại ngưỡng Fibo 61.8%.
Chính những sự trùng hợp đó mà trong phân tích kỹ thuật, ngưỡng Fibo Retracement 61.8% luôn là ngưỡng cảnh báo do xác suất đi xuống cao hơn là xác xuất phục hồi đi lên. Những người theo trường phái an toàn có thể chọn giải pháp đứng ngoài tại ngưỡng Fibo 61.8%.
VN-Index đã phục hồi theo đúng nhận định trong Vietstock Weekly phát hành ngày 04/03/2011, sau khi chinh phục mốc 490 như hình vẽ. Hiện tại VN-Index đang chống cự tại vùng Fibo Retracement 61.8%. Có 2 khía cạnh nhìn nhận VN-Index theo đồ thị hiện tại:
(1) Trong trường hợp chống cự không thành công, VN-Index nhiều khả năng quay về vùng đáy 420 theo lý thuyết, trước khi có những chuyển biến mới. Bên cạnh đó, tín hiện từ đường MACD cũng đang xuất hiện sự phân kỳ đi xuống sau một thời gian sideway cũng ủng hộ góc nhìn này.
(2) Trong trường hợp còn lại, đường trendline màu xanh sau 3 lần test không thủng theo lý thuyết trở nên rất chắc chắn, là ngưỡng hỗ trợ cho thị trường. VN-Index phá đường nào sẽ biến động theo hướng đó. (Trong hình: đường kháng cự màu cam và đường hỗ trợ màu xanh)
Đứng trên 2 khía cạnh trái ngược, chúng tôi cho rằng VN-Index nhiều khả năng sideway trong thời gian tới. Mặt khác, quan sát về khối lượng giao dịch cho thấy có những phiên thị trường tăng do tiết cung, hay giảm để test cầu nhưng nhìn chung khối lượng khớp lệnh vẫn duy trì mức thấp. Dải bollinger đang co hẹp lại cùng với khối lượng giao dịch thấp như thường lệ là một tín hiệu cảnh báo sớm thị trường sẽ có biến động mạnh.
HNX-Index đang cho tín hiệu tích cực. HNX-Index vẫn tiếp tục trong xu thế giảm điểm trong 2 kênh giá theo đường độ lệch chuẩn (Standart Error Channel). Kênh giá hiện tại của HNX-Index vẫn là kênh số 1 (90-105).
Tuy vậy, sự sideway của 2 đường +DI và –DI ở giá trị thấp và đường +DI đang cắt từ phía dưới lên cho thấy khả năng đi lên của HA, hay ít nhất là khả năng duy trì kênh giá số 1.
Những thân nến xanh đỏ nhỏ trong những phiên gần đây đang là sự củng cố rất chắc chắn cho ngưỡng 90 hiện tại của HNX-Index.
Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, chúng tôi cho rằng HNX-Index đang có những tín hiệu tốt, ít nhất là sự chắc chắn duy trì trong kênh số 1 (90 – 105).
Thị trường đã rất gần ”vùng đáy”?
Trong thời gian vừa qua, chúng tôi chia thị trường theo 3 giai đoạn chính như trong hình dưới đây.
Giai đoạn 1, VN-Index tăng từ 420 lên 500 điểm. Trong giai đoạn này, chúng ta có thể thấy sự phân hóa mạnh trên thị trường. VS-Large Cap dẫn đầu tăng mạnh nhất, và các nhóm khác thể hiện qua VS-Mid Cap, VS-Small Cap và VS-Micro Cap vẫn biến động đi ngang là chính.
Giai đoạn 2, VN-Index đi xuống cùng với VS-Large Cap, trong khi các nhóm cổ phiếu khác tiếp tục xu hướng đi ngang.
Giai đoạn 3, VN-Index đi ngang và giảm nhẹ, và các nhóm cổ phiếu còn lại cũng biến động trong kênh giá nhỏ, duy trì xu thế đi ngang.
Khi tất cả các nhóm cổ phiếu đều cùng đi ngang và tích lũy trong một thời gian dài, khả năng giảm thêm nữa của thị trường là rất thấp.
Hiện chưa có sự dịch chuyển của các nhóm cổ phiếu để bắt đầu cho một xu thế mới. Tuy vậy, với những biến động hiện tại của nhóm chỉ số VS-Market Cap, chúng tôi cho rằng thị trường đã rất gần “vùng đáy”.
IV. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG TUẦN 21 – 25/03/2011
Hồ Bá Tình – Bảo Anh