Vốn hoá thị trường là một trong những yếu tố quan trọng mà nhà đầu tư cần nắm rõ khi tham gia thị trường chứng khoán. Điều này là do vốn hoá thị trường ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận hay rủi ro đầu tư, cũng như đến các nguyên tắc cơ bản của một công ty. Không ít người thường xem xét đầu tư vào các công ty có vốn hoá thị trường lớn, vậy vốn hoá thị trường là gì ? Hãy cùng PHS tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Vốn Hóa Thị Trường

1. Vốn hoá thị trường là gì?

Vốn hoá thị trường (Market Capitalization) là tổng giá trị hiện tại của các tất cả cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường của một doanh nghiệp. Có thể hiểu rằng, vốn hóa thị trường của một doanh nghiệp chính là tổng số tiền cần phải bỏ ra để mua lại một doanh nghiệp đó tính theo giá thị trường tại thời điểm mua.

Thuật ngữ này thường được các nhà đầu tư dùng để đo lường chất lượng của một công ty. Bằng cách biết giá trị vốn hóa thị trường, nhà đầu tư có thể xác định tổng số tiền phải bỏ ra để mua tất cả cổ phiếu của công ty mà mình mong muốn.

Vốn hoá thị trường được tính bằng công thức: 

Vốn hóa thị trường = Số lượng cổ phiếu đang lưu hành x thị giá một cổ phiếu 

Ví dụ: Công ty X có tổng cộng 2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, với giá mỗi cổ phiếu là 10.000 đồng/cổ phiếu. Khi đó, giá trị vốn hóa thị trường hoặc vốn hóa thị trường là: 2.000.000 x 10.000 = 20.000.000.000 (20 tỷ đồng)

Ngoài ra, biến động giá thị trường cổ phiếu của một công ty diễn ra liên tục theo từng giây, do đó vốn hoá thị trường cũng dao động theo và số lượng cổ phiếu đang lưu hành cũng có thể thay đổi theo thời gian. 

2. Các loại vốn hoá thị trường: 

Về cơ bản, vốn hóa thị trường được chia thành 4 nhóm: Nhóm có vốn hóa lớn, vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Nhóm vốn hóa thị trường lớn - Large Cap:

Large Cap hay còn gọi là cổ phiếu Bluechip là thuật ngữ để chỉ những công ty được coi là vốn hóa lớn có vốn hóa thị trường trên 10.000 tỷ đồng. Đây là những doanh nghiệp có số lượng cổ phiếu lớn cùng giá cổ phiếu cao, được sự tin tưởng cao của mọi người và thường là các doanh nghiệp đứng đầu ngành. 

Largecap

Một số doanh nghiệp có vốn hoá lớn tiêu biểu như: Vinamilk (VNM), Ngân hàng BIDV (BID), Tập đoàn Vingroup (VIC),...

Nhóm vốn hóa thị trường vừa - Mid Cap: 

Nhóm Midcap có quy mô hoạt động và số lượng cổ phiếu ở tầm trung, có giá trị vốn hóa thị trường dao động từ 1.000 tỷ đồng và dưới 10.000 tỷ đồng. Ngoài ra, đây là nhóm có khả năng tăng trưởng rất tốt và còn có tiềm năng hơn so với nhóm Large Cap. 

Midcap

Một số doanh nghiệp tiêu biểu của nhóm này: Tập đoàn Hoa Sen (HSG),  Công ty CP dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS),...

Nhóm vốn hóa thị trường nhỏ - Small Cap: 

Nhóm Small Cap hay còn gọi là cổ phiếu Penny là nhóm có vốn hoá thị trường chỉ từ 100 đến dưới 1.000 tỷ. Phần lớn nhóm này bao gồm các công ty khá trẻ và có tiềm năng phát triển. Tuy nhiên do thị trường cạnh tranh khốc liệt nên các doanh nghiệp nhóm này thường bị bỏ quên và không được đánh giá cao. Khi đầu tư vào nhóm Small Cap, nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn như nguy cơ phá sản từ các doanh nghiệp nhóm này, nhưng mặt khác cũng có thể thu được lợi nhuận tiềm năng rất cao. Smallcap

Một số ví dụ về doanh nghiệp thuộc nhóm Small Cap: Công ty CPTM Hà Tây (HTT), Tập Đoàn CMH VIETNAM (CMV),...

Nhóm vốn hóa thị trường siêu nhỏ - Micro Cap: 

Những doanh nghiệp được coi là vốn hóa siêu nhỏ khi hầu hết các cổ phiếu có giá thấp, vốn hóa thị trường sẽ ở dưới 100 tỷ đồng. Thường những doanh nghiệp siêu nhỏ này sẽ có rất ít số liệu để đánh giá nên khi đầu tư vào cần thận trọng hơn vì rất dễ xảy ra rủi ro. 

Những doanh nghiệp thuộc nhóm này như: CTCP VICEM Vật liệu Xây dựng Đà Nẵng (DXV), CTCP Bất động sản Netland (NRC),...

Kết luận: 

Vốn hóa thị trường là một trong những yếu tố rất quan trọng khi đánh giá một doanh nghiệp. Giá trị này sẽ vừa thể hiện được quy mô hoạt động, vừa biểu hiện sự đánh giá của thị trường đối với doanh nghiệp về tiềm năng tăng trưởng, vị thế cũng như mức độ uy tín trong ngành. Từ đó nhà đầu tư sẽ lựa chọn được doanh nghiệp mà mình có thể đặt niềm tin vào nhằm giảm thiểu rủi ro cũng như tối đa hoá lợi nhuận. Tuy nhiên có thể thấy rằng vốn hóa thị trường phụ thuộc vào số lượng cổ phiếu đang lưu hành và thị giá của cổ phiếu nên nó sẽ có tính thời điểm và biến động không ngừng. Vì vậy nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ càng và thận trọng trước khi đưa ra quyết định đầu tư. 

Hy vọng với những thông tin mà PHS chia sẻ trong bài viết trên thì nhà đầu tư sẽ có cái nhìn tổng quan hơn và hiểu rõ hơn về những kiến thức liên quan đến vốn hoá thị trường. Hãy theo dõi PHS để cập nhật nhiều kiến thức về đầu tư tài chính - chứng khoán hữu ích nhé.