Wall Street trải qua ngày kinh hoàng nhất trong hơn 9 tháng
Chính tâm lý hoang mang về vấn đề nợ nần của Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã đẩy đồng USD lên mức cao 7 tháng so với đồng EUR, từ đó giá cả một số loại hàng hóa tiêu biểu như dầu và vàng rơi tự do. Trong khi đó, giá trái phiếu kho bạc tăng mạnh khiến lợi tức suy yếu.
Bên cạnh đó, chỉ số biến động CBOE – thước đo sự sợ hãi của Wall Street - bay cao tới 20.7% lên 26.08 điểm.
Trên thị trường việc làm, số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần tăng lên mức 480,000 người từ con số đã điều chỉnh 472,000 trong tuần trước đó, cao hơn rất nhiều so với dự đoán tăng lên 455,000 người của các nhà kinh tế.
Số người đang trong diện nhận trợ cấp thất nghiệp tăng lên 4,602,000 người từ mức 4,600,000 người trong tuần trước, vượt mức dự đoán 4,581,000 người.
Số liệu này chính là manh mối cho bản báo cáo việc làm Tháng 1 của Chính phủ. Theo dự đoán, các công ty đã tuyển dụng thêm 15,000 nhân viên trong tháng vừa qua sau khi cắt giảm tới 85,000 việc làm trong Tháng 12. Kết quả một cuộc khảo sát riêng biệt cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp có thể đứng yên ở mức 10%.
Tuy nhiên, số việc làm bị cắt giảm hàng năm trong suốt cuộc suy thoái có thể cao hơn dự đoán. Theo đó, Cơ quan Thống kê Lao động Mỹ có thể công bố số nhân công bị sa thải trong giai đoạn từ Tháng 4/2008 đến Tháng 5/2009 tăng thêm 824,000 người.
Số đơn đặt hàng nhà máy Tháng 12 tăng 1%, bằng với mức tăng trưởng trong Tháng 11 và cao hơn so với dự đoán 0.5%.
Theo các báo cáo tài chính được công bố trong ngày, Tập đoàn công nghệ Cisco Systems công bố doanh thu là lợi nhuận quý IV vượt kỳ vọng.
Ngoài ra, Tập đoàn Toyota cũng công bố doanh thu khả quan đồng thời nâng dự báo cho năm tài chính kế thúc vào Tháng 3. Kết quả này không tính đến tác động của đợt thu hồi xe với số lượng lớn trong thời gian qua. Theo ước tính của Toyota, việc thu hồi này tiêu tốn của hãng tới 2 tỷ USD.
Được biết, chính phủ Mỹ ngày Thứ Năm cũng thông báo bắt đầu cuộc điều tra chính thức đối với vấn đề bàn đạp trong dòng xe nổi tiếng Prius của Toyota.
|
|
Nguồn: Reuters |
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Dow Jones lao dốc 268.37 điểm (2.61%) đóng cửa tại 10,002 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm sâu 34.17 điểm (3.11%) xuống 1,063.11 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite trượt dài 65.48 điểm (2.99%) xuống 2,125.43 điểm.
Sau khởi đầu khá chệnh choạng trong quý I năm ngoái, chứng khoán Mỹ liên tiếp phục hồi trong 9 tháng cuối cùng và giúp S&P 500 tăng đến 65% so với mức thấp 12 năm xác lập ngày 09/03. Tuy nhiên, đà phục hồi này chỉ kéo dài đến ngày 19/01/2010, thời điểm ba chỉ số chính bắt đầu chuỗi ngày sụt giảm.
Tính đến thời điểm này, Dow Jones và S&P 500 đã đánh mất lần lượt 6.7% và 7.6% giá trị so với mức cao 15 tháng ngày 19/01, trong khi Nasdaq trượt dài tới 8.4% so với mức đỉnh 16 tháng xác lập cùng ngày.
Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm từ 3.7% xuống 3.61%, giá dầu thô ngọt nhẹ giao Tháng 3 trên sàn NYMEX lao dốc 3.84 USD/thùng xuống 73.14 USD/thùng.
Giá vàng COMEX giao Tháng 4 rơi tự do 49 USD/oz và dừng ở 1,062.40 USD/oz, đồng USD tăng mạnh so với đồng EUR và giảm so với đồng JPY.
Thị trường chứng khoán Á – Âu đồng loạt giảm sâu trong phiên giao dịch cùng ngày với chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đánh mất 1.8% giá trị. Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh hạ 2.17%, chỉ số DAX của Đức trượt 2.45% và CAC 40 của Pháp rớt mạnh 2.75%.
Phạm Thị Phước (Theo Reuters, CNN Money)